Tình hình COVID-19 trên toàn thế giới: Gần 1.273.000 người mắc bệnh

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành tại nhiều nước, với tồng cộng 208 quốc gia đã bị ảnh hưởng, trong đó Mỹ đứng đầu về số ca nhiễm bệnh và Italy đứng đầu về số ca tử vong.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 5/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP và Tân hoa xã đưa tin, sáng 6/4, trang mạng Worldometers.info đưa ra thống kê cho biết trên toàn thế giới hiện đã ghi nhận 1.272.953 người mắc COVID-19, với 69.428 ca tử vong, số ca được chữa khỏi là 262.331.

Dịch bệnh hiện đang ảnh hưởng tới 208 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2.

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng 1.200 người trong 24 giờ qua.

Cũng theo Johns Hopkins, tính đến 0 giờ GMT (7 giờ theo giờ Việt Nam) ngày 6/4, ở Mỹ đã ghi nhận 337.072 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

Châu Âu

Tây Ban Nha đứng thứ hai với tổng số người mắc COVID-19 đến sáng 6/4 là 131.646 ca, và số ca tử vong vì COVID-19 là 12.641 người.

Italy ghi nhận tổng cộng 128.948 ca nhiễm COVID-19 và con số tử vong là 15.887 người.

Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới, tuy nhiên, trong ngày 5/4, Italy ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua (tăng thêm 525 ca) và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp. Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy trong ngày, nước này ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 128.948 trường hợp. Số ca hồi phục tăng lên thành 21.815 ca (tăng 819 ca).

[Dịch COVID-19: Thông tin tích cực về số ca tử vong tại Mỹ, Italy, Pháp]

Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục hoành hành tại nhiều nước. Đức đã ghi nhận 100.123 ca nhiễm và 1.584 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở nước này chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi tỷ lệ lây nhiễm mới tiếp tục tăng hằng ngày, trung bình 4.000-5.000 ca/ngày.

Châu Á

Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát đại dịch COVID-19 - ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, trong đó 38 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Một ca lây nhiễm trong nước được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc. Trong ngày 5/4, Trung Quốc đại lục xác nhận 1 ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc và thêm 10 ca bệnh nghi ngờ đều từ nước ngoài trở về. Như vậy, đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.708 ca nhiễm, 3.331 ca tử vong và 77.078 ca được chữa khỏi bệnh. Theo NHC, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng tính đến cuối ngày 5/4 là 78 ca, tăng so với 47 ca một ngày trước.

Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 4.563 ca nhiễm, bao gồm cả khoảng 700 người trên du thuyền Diamond Princess, với 104 ca tử vong. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe dự định ban bố tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh tại thủ đô Tokyo và nhiều thành phố lớn khác.  

Hàn Quốc ngày 6/4 đã ghi nhận thêm 47 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giảm đáng kể so với 81 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên thành 10.284 người.

Tỷ lệ khỏi bệnh tăng đều từng ngày trong khi số ca nhiễm từ nước ngoài đã giảm dần.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 6/4, tổng số ca tử vong là 186, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 135 người, nâng tổng số người được chữa khỏi lên thành 6.598 người.

Châu Phi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca tử vong tại lục địa này đã chạm mốc 360 người, đồng thời số ca nhiễm virus cũng tăng lên thành 8.536 người. Dịch COVID-19 đã lan tới 50 quốc gia ở châu lục này, trong đó cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi (với 1.655 ca), Algeria (1.320) và Ai Cập (1.173). Tổng số ca hồi phục là 710 người.

Hiện Liên minh châu Phi, thông qua CDC châu Phi, đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp và Hệ thống Quản lý sự cố (IMS) để xử lý tình trạng bùng phát dịch. CDC châu Phi cũng lên kế hoạch hành động thứ 3 trong giai đoạn từ ngày 16/3-15/4.

Châu Mỹ

Brazil - quốc gia Mỹ Latinh có số ca nhiễm cao nhất khu vực - ghi nhận tổng cộng 11.254 ca nhiễm, trong đó có 486 ca tử vong. Bộ Y tế nước này cảnh báo thủ đô Brasilia và các bang Ceara, Amazonas, Rio de Janeiro và Sao Paulo có thể chuyển từ giai đoạn lây nhiễm cộng đồng sang giai đoạn bùng phát dịch bệnh "mất kiểm soát" vì những vùng này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn cả.

Trong khi đó, Bộ Y tế Chile cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 7 người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp tử vong do nhiễm virus ở nước này lên thành 34 người, đồng thời xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 hiện là 4.471 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Santiago, Chile ngày 20/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich xác nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong ngày 6/4 tại nước này là 310 người, con số cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.

Là quốc gia Mỹ Latinh có số người nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ 2 tại khu vực, sau Brazil, Chính phủ Chile đã mở rộng lệnh cách ly đối với 14 thành phố trên cả nước cũng như thắt chặt kiểm soát các khu vực được xác nhận có số ca mắc bệnh tăng nhanh với sự hỗ trợ của cảnh sát và quân đội.

Cùng ngày, Bộ Y tế Panama cũng thông báo số người mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Mỹ này đã tăng lên thành 1.988 trường hợp, nhiều hơn 187 người so với trước đó một ngày. Trong khi đó, số người tử vong do dịch bệnh này tại Panama được ghi nhận tới thời điểm này là 54 người.

Cũng trong ngày 5/4, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đã lên đến 2.143 người, trong đó 94 ca tử vong, và 5.209 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Cơ quan y tế Mexico cảnh báo số ca tử vong có thể sẽ tăng mạnh do tỉ lệ người dân Mexico về thừa cân và béo phì ở mức cao chiếm trên 70% tổng dân số. Thừa cân và béo phì là cơ sở của các bệnh nền như tiểu đường và tim mạch.

Trước tình hình dịch bệnh ngày một lan rộng, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) ở Mexico trong vòng 3 tuần tới.

Cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết.

Chính phủ liên bang Mexico cho biết sẽ tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực đối với hệ thống y tế để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Mexico, Jorge Alcocer Varela, mạng lưới y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục