Tình hình COVID-19 sáng 6/5: Thế giới ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm

Tính đến 6 giờ sáng 6/5, thế giới đã ghi nhận 3.719.899 nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, trong đó có tổng cộng 257.747 ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến 6 giờ sáng 6/5, thế giới đã ghi nhận 3.719.899 nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, trong đó có tổng cộng 257.747 ca tử vong.

Pháp ghi nhận hơn 25.500 ca tử vong vì COVID-19

Số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ), bao gồm 16.060 ca ở bệnh viện (tăng 234 ca) và 9.471 ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 96 ca).

Hiện Pháp có 24.775 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 773 ca so với hôm trước), trong đó 3.430 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 266 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 27 ngày nay. 

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand cho biết kể từ ngày 11/5, các nghị sỹ khi tham gia cuộc họp toàn thể sẽ được phép đeo khẩu trang, nhưng khi phát biểu thì phải để hở mặt.

Gel rửa tay khô và khẩu trang sẽ được cung cấp tại lối vào các tòa nhà vì đeo khẩu trang là quy định bắt buộc bên trong trụ sở Hạ viện.

Hạ viện là một trong những ổ dịch COVID-19 đầu tiên của Pháp, với 33 ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, 68 nghị sỹ, nhân viên và cộng tác viên có các triệu chứng của bệnh.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo hàng loạt biện pháp chuẩn bị cho ngày dỡ bỏ phong tỏa 11/5, theo đó thủ đô của Pháp sẽ có khoảng 30 phố đi bộ mới và 50 km đường dành cho xe đạp.

Để hạn chế số lượng xe ôtô trong thành phố, chính quyền Paris đang sắp xếp để có thể tăng gấp đôi số chỗ đỗ xe tại các cửa ngõ vào thành phố. Những chỗ đỗ xe này sẽ được miễn phí đối với những người mua vé tháng hoặc vé năm của hệ thống giao thông công cộng.

Italy ghi nhận 1.075 ca nhiễm mới

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 5/5, nước này ghi nhận thêm 1.075 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 213.013 người.

[Pháp phát hiện một ca mắc dịch bệnh COVID-19 từ tháng 12/2019]

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên 29.315 trường hợp (tăng 236 ca).

Có 2.352 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 98.467 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 52 ca xuống còn 1.427 người.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập đã vượt mốc 7.000 

Ngày 5/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo, số liệu thống kê cập nhật hàng ngày cho thấy tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên đến 7.201 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 388 ca nhiễm mới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của bộ trên cho hay, tính đến nay đã có 452 người tử vong do COVID-19, trong đó có 16 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 5/5.

Ngoài ra, cũng đã có thêm 98 bệnh nhân, trong đó có 1 người nước ngoài, đã khỏi bệnh, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 1.730 người.

Theo báo Ahram, bất chấp việc nhà chức trách Ai Cập đã áp dụng những biện pháp chống dịch chưa từng có tiền lệ, trong đó có áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ tháng 3 vừa qua, nhưng các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng cao.

Trong thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan, hoạt động mua sắm của người dân tăng đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm và đồ uống. 

Nhiều khả năng Ai Cập sẽ tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm trong tuần này. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Peru: Số ca mắc COVID-19 đã vượt quá 50.000 người

Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngày 5/5 xác nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã vượt quá ngưỡng 50.000 người.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Lima, Tổng thống Vizcarra cho biết, có tổng cộng 50.189 ca mắc COVID-19 đã được phát hiện, trong đó có 1.444 ca tử vong.

Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tuy nhiên, trong vòng 10 ngày Peru đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi, khiến nước này trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực, sau Brazil.

Iran lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

Ngày 5/5, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, Bộ Y tế nước này cùng ngày đã cảnh báo người dân về sự bùng phát trở lại làn sóng thứ hai và thứ ba của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, các cơ quan chính quyền cũng như các trung tâm nghiên cứu đều không đưa ra được bức tranh rõ ràng về cơ chế hoạt động của loại virus gây chết người này.

Quan chức này cho rằng hiện có ít thông tin về virus SARS-CoV-2 và cần có thêm những nghiên cứu, phân tích trong tương lai. Ông Jahanpur bày tỏ hy vọng rằng việc giãn cách xã hội có thể ngăn chặn sự tái bùng phát của đại dịch ở Iran.

Cùng ngày, theo Bộ Y tế Iran, hiện nước Cộng hòa Hồi giáo đã có 99.970 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6.340 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên đến 3.520 người, trong đó có 59 trường hợp mới tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, tổng số ca mắc virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện là 129.491 người, trong đó có 1.832 ca nhiễm mới.

Còn tại Qatar, Bộ Y tế cho biết, nước này đã phát hiện thêm 951 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm loại virus gây chết người này lên 17.142 người, trong đó có 15.206 bệnh nhân đang được điều trị.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục