Tình hình COVID-19 sáng 27/5: Brazil có thể vượt 125.000 ca tử vong

Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, trong khi nghiên cứu của Mỹ dự báo số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil có thể vượt 125.000 người.
Chôn cất các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nghĩa trang ở ngoại ô Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chôn cất các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nghĩa trang ở ngoại ô Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 7 giờ sáng 27/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có tổng cộng 5.677.003 ca mắc COVID-19, trong đó có 351.601 trường hợp tử vong.

Italy sẵn sàng cho đợt bùng phát thứ hai

Ngày  26/5, Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch viêm đường hô hâp cấp COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát mới.

Phát biểu trên kênh truyền hình Sky TV, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho rằng: "Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều quan ngại về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai và những ai chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị không thể đánh giá thấp khả năng này, do đó, chúng tôi đã tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%."

Bộ trưởng Roberto Speranza khẳng định Italy đã sẵn sàng cho làn sóng thứ hai của dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng phối hợp với cơ quan y tế, Hội Chữ thập đỏ để tiến hành xét nghiệm huyết thanh, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về dịch bệnh.

Cùng ngày, Hiệp hội Phổi Italy cảnh báo, người bệnh sau khi mắc COVID-19, phổi có nguy cơ ảnh hưởng ít nhất 6 tháng, trong đó, 30% những người phục hồi sẽ có vấn đề về hô hấp mãn tính.

Chủ tịch Hiệp hội Phổi Italy Luca Richeldi cho biết, theo nghiên cứu, bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi điều trị thành công sẽ để lại vết xơ sẹo trên phổi, do đó nguy cơ dẫn đến những bệnh lý mới về đường hô hấp.

[Thủ tướng Conte giành được sự ủng hộ cao của cử tri Italy]

Do đó, ông Luca Richeldi cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ "trường hợp khẩn cấp về sức khỏe mới" liên quan tới bệnh phổi.

Tính đến ngày 26/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận tổng số 230.555 ca mắc COVID-19. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 32.955 trường hợp và số ca hồi phục là 144.658 người. Tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện chỉ có 7.917 người, trong đó số ca điều trị tích cực 521 trường hợp.

Hungary, Slovakia, CH Séc cho phép đi lại xuyên biên giới

Theo hãng tin Reuters, Hungary, Slovakia và CH Séc sẽ mở cửa lại biên giới giữa các nước này với nhau kể từ đêm 26/5.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã nhất trí với các đối tác Séc và Slovakia cho phép công dân Hungary, Slovakia và Séc ở lại trên lãnh thổ của nhau không quá 48 giờ mà không cần cách ly.

Tuy nhiên, theo ông Szijjarto, công dân Hungary có thể đến CH Séc nếu đi qua Slovakia nhưng không thể quay về Hungary nếu qua đường Slovakia. Họ sẽ phải đi vòng qua Áo và điều tương tự cũng được áp dụng đối với công dân Séc trở về từ Hungary.

Về phần mình, theo đài phát thanh Praha, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek cũng nêu rõ các công dân Séc, Slovakia và Hungary có thể đi lại giữa các nước này mà không cần phải nộp xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và không cần kiểm dịch nếu họ quay trở lại trong vòng 48 giờ.

Trước đó ngày 25/5, Hungary tuyên bố mở cửa biên giới với Serbia, sau khi mở lại biên giới với Romania hồi tuần trước.

Cũng trong ngày 26/5, Cộng hòa Séc bắt đầu mở lại các cửa khẩu biên giới với nước láng giềng Đức và Áo, song chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vẫn là bắt buộc và việc kiểm tra ở biên giới sẽ tiến hành ngẫu nhiên.

Ai Cập ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục

Bộ Y tế Ai Cập ngày 26/5 thông báo ghi nhận thêm 789 trường hợp mắc COVID-19, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 18.756 người.

Tình hình COVID-19 sáng 27/5: Brazil có thể vượt 125.000 ca tử vong ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Cairo, Ai Cập ngày 29/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 797 người, sau khi có thêm 14 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 127 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 5.027 người.

[Việt Nam không có thêm ca mắc mới, bệnh nhân 19 khỏi bệnh]

Bất chấp các giải pháp được triển khai nhằm kiềm chế dịch COVID-19, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ai Cập vẫn tăng mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay.

Hiện Ai Cập đã tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp lễ Eid El-Fitr của người Hồi giáo, vốn bắt đầu từ ngày 24/5, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Ai Cập hiện vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm từ 17 giờ chiều cho đến sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 24-29/5. Trong thời gian này, tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm, công viên cũng như các bãi biển đều đóng cửa hoàn toàn, đồng thời hoạt động đi lại giữa các tỉnh cũng tạm ngừng.

Số ca tử vong ở Brazil có thể vượt 125.000 người

Một nghiên cứu của Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc trường Đại học Washington của Mỹ dự báo số người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Brazil có thể sẽ lên tới trên 125.000 người vào đầu tháng 8 tới.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 26/5, số ca tử vong do đại dịch này có thể từ mức 68.311 người đến 221.078 người. Mô hình dự báo này được IHME thực hiện sau khi thu thập dữ liệu về các trường hợp nhập viện, số lượng mẫu xét nghiệm, ca tử vong và các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng.

Trong một dự báo trước đó vào hồi giữa tháng 5 vừa qua, dự báo về số lượng ca tử vong tại quốc gia Nam Mỹ này mới chỉ là 88.305 trường hợp. Cũng theo nghiên cứu này thì số lượng tử vong cao nhất trong 24 giờ sẽ rơi vào ngày 13/7 với 1.526 trường hợp.

Giám đốc IHME Chistopher Murray cho rằng Brazil cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch bệnh.

Theo thống kê chính thức, hiện nay Brazil đã ghi nhận hơn 370.000 ca nhiễm bệnh COVID-19, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, trong đó có hơn 23.000 trường hợp tử vong.

Mỹ Latinh sắp bước vào những tuần lễ “rất khó khăn”

Các quan chức của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 26/5 dự báo, khu vực Mỹ Latinh, “tâm chấn” mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa cho biết khu vực Mỹ Latinh sẽ phải chờ đón những tuần lễ rất khó khăn phía trước, đồng thời cảnh báo, đây không phải là lúc có thể nới lỏng các hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm khi đây lại là những nước có các ca mắc bệnh nhiều nhất khu vực.

Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal dự đoán, tình hình dịch bệnh tại Brazil, quốc gia bị tác động nặng nề nhất do dịch bệnh tại khu vực, sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.

Trong khi đó, tại Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela cũng liên tiếp gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, dấu hiệu cho thấy sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2 cũng đang tăng tốc.

PAHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về các ca dương tính với SARS-CoV-2.

Quan chức này cũng khẳng định, phần lớn các nước Nam Mỹ đang không thực hiện đủ các xét nghiệm để phát hiện người bệnh, đồng thời đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, vốn là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về tình hình. 

Đối với trường hợp Mexico, tổ chức y tế khu vực cũng cho rằng nước này sẽ vẫn còn phải chứng kiến sự gia tăng liên tục các ca mắc COVID-19, và dự báo tình hình tương tự cũng xảy ra đối với El Salvador, Guatemala và Nicaragua. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Cuba cũng được PAHO dự báo có sự sụt giảm về các ca mắc bệnh.

Mỹ Latinh đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan gây quan ngại cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo tính toán của WHO, tâm dịch của khu vực là Brazil sẽ có thể đạt tới con số cao nhất là 1.020 người tử vong mỗi ngày vào ngày 22/6 và tới ngày 4/8, quốc gia Nam Mỹ này có thể có tới 88.300 người chết do COVID-19, gấp 4 lần con số được ghi nhận chính thức cho tới thời điểm hiện nay.

Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 25/5, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận tổng cộng 740.244 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, Brazil và Mexico là hai nước có nhiều ca tử vong nhất với lần lượt 22.666 và 7.394 trường hợp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục