Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 7 giờ sáng 12/8, thế giới ghi nhận có 20.492.950 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có 744.134 người chết. Số người đã chữa khỏi là 13.417.612 trường hợp.
Israel vượt Trung Quốc về số ca mắc COVID-19
Israel ngày 11/8 đã vượt qua Trung Quốc về số ca COVID-19, tính từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020.
Đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng 86.147 ca COVID-19, so với 84.712 ca ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Israel thấp hơn nhiều so với Trung Quốc - 622 người so với 4.634 người được Bắc Kinh xác nhận.
Israel cũng ghi nhận 60.055 bệnh nhân COVID-19 bình phục, và hiện còn 25.470 trường hợp đang được điều trị, trong đó có 375 người ở trong tình trạng nguy kịch, với 110 người phải dùng máy thở.
Trong một diễn biến khác, Israel dự kiến sẽ xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2, nhằm tạo điều kiện cho người dân đi tới các nước "xanh." Hoạt động xét nghiệm sẽ do các trung tâm y tế lớn triển khai.
Cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ 2 ở Ai Cập
Người đứng đầu Ủy ban khoa học chống virus SARS-CoV-2 thuộc Bộ Y tế Ai Cập, ông Hossam Hosni ngày 11/8 cho rằng làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ diễn ra vào mùa Đông năm nay.
Theo ông Hosni, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại ở Ai Cập, cũng như khắp thế giới, kể cả khi số ca COVID-19 đã giảm đáng kể.
[Vắcxin mới của Nga có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 trong 2 năm]
Ông Hosni cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống virus SARS-CoV-2 vì đại dịch chưa kết thúc.
Trước đó, nhà chức trách Ai Cập đã tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch, đồng thời cảnh báo rằng sự lơ là, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể khiến số ca COVID-19 gia tăng trở lại.
Theo số liệu thống kê được công bố ngày 11/8, Ai Cập đến nay đã ghi nhận tổng cộng 95.834 ca COVID-19, trong đó có 5.059 người tử vong.
Pháp gia hạn lệnh cấm tụ họp đông người đến hết tháng 10
Thủ tướng Jean Castex ngày 11/8 tuyên bố Pháp sẽ gia hạn lệnh cấm các hoạt động tụ họp có quy mô hơn 5.000 người ở nơi công cộng cho đến ngày 30/10 do số ca COVID-19 mới ở nước này đang tiếp tục tăng mạnh.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Castex cho rằng tình hình dịch bệnh ở Pháp đã diễn biến “theo chiều hướng sai lầm” trong 2 tuần qua.
Trước đó, nhà chức trách Pháp hôm 10/8 đã thông báo về sự gia tăng đáng kể đầu tiên trong số ca COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện kể từ khi cấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Ngoài ra, ông Castex yêu cầu chính quyền các địa phương của Pháp siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng ngoài trời.
Người đứng đầu Chính phủ Pháp cũng cam kết cải thiện chính sách xét nghiệm virus SARS-CoV-2, hiện ở mức 600.000 lượt/tuần, để hướng tới tất cả những người có triệu chứng.
Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 1.400 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 15 người tử vong. Tính từ ngày 1/3, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 30.354 người ở Pháp.
Mexico dành gần 5 tỷ USD mua vắcxin
Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador ngày 11/8 thông báo Chính phủ Mexico sẽ dành một khoản ngân sách lên đến 100 tỷ peso (gần 5 tỷ USD) để mua vắcxin ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard cho biết Mexico đã ký thỏa thuận với một phòng thí nghiệm của Mỹ và 2 phòng thí nghiệm của Trung Quốc về việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 với vắcxin ngừa COVID-19.
Theo đó, các công ty Janssen Pharmaceuticals (Johnson & Johnson) của Mỹ, cùng Walvax Biotechnology Co Ltd và CanSino Biologics Inc. của Trung Quốc sẽ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tại Mexico.
Mexico hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh, cũng như trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê, Mexico đã ghi nhận tổng cộng 485.836 ca COVID-19, trong đó có 53.003 người tử vong - đứng thứ 6 thế giới về số ca bệnh và thứ 3 thế giới về số ca tử vong.
Argentina đang trải qua giai đoạn nguy hiểm nhất
Tổng thống Alberto Fernandez ngày 11/8 cảnh báo Argentina đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình và thận trọng trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh khi ra đường.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Futurock, nhà lãnh đạo Argentina cũng chia sẻ lo ngại của người dân khi phải ở nhà trong một thời gian dài do lệnh cách ly xã hội bắt buộc, song cũng mong muốn mọi người hiểu được tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh và việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội - biện pháp tối ưu để hạn chế số người mắc bệnh.
Tổng thống Fernandez cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Argentina trong những tháng qua, đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất y tế để bảo đảm tất cả mọi người đều được chăm sóc sức khỏe và không ai bị bỏ rơi.
Ông cũng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và con đường phía trước còn rất dài, chính vì vậy sự đoàn kết trong xã hội là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Argentina là một trong những nước áp dụng sớm nhất biện pháp cách ly xã hội bắt buộc và đã hạn chế được số ca lây nhiễm trong cộng đồng trong những tháng đầu tiên.
Tuy vậy, trong khoảng hơn 1 tháng trở qua, khi chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách xã hội, số ca bệnh mới lại gia tăng đột biến.
Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm mới theo ngày liên tục ở mức trên 5.000 người, thậm chí có thời điểm đã lên tới trên 7.000 người.
Theo thống kê chính thức, Argentina đến nay đã ghi nhận tổng cộng 253.868 ca COVID-19, trong đó có 4.785 người tử vong.