Tình hình COVID-19: Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng

Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19. Bộ Y tế Lào ngày 22/8 ghi nhận 305 ca mắc mới, gồm 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 81 ca lây nhiễm trong nước.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Pattani, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 212.358.643 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.441.496 ca tử vong.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 189,97 triệu bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn hơn 17,94 triệu người đang được điều trị.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 38.519.294 ca, trong đó có 644.840 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.243 ca trong tổng số 20.556.487 ca nhiễm. Với 434.545 ca tử vong trong tổng số 32.430.134 ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.

Điểm nóng Đông Nam Á

Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19. Bộ Y tế Lào ngày 22/8 ghi nhận 305 ca mắc mới, gồm 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 81 ca lây nhiễm trong nước.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.469 ca, trong đó có 11 người tử vong.

Ủy ban chuyên trách trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới để ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang theo dịch bệnh vào trong nước, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức về dịch bệnh cho người lao động đang được điều trị hoặc đang ở trong các khu cách ly.

Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 163 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này trên cả nước lên 999 ca. Cho đến nay, biến thể Delta đã tấn công 23 trong số 25 tỉnh và thành phố của Campuchia.

Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng đã kêu gọi mọi người dân cẩn trọng hơn vì biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể khác đã xuất hiện tại Campuchia. Cũng trong ngày này, Campuchia ghi nhận thêm 496 ca mắc mới và thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 89.231 ca và 1.792 ca.

Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết nước này có thêm 19.014 ca mới và 233 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc, trong đó 839.855 ca đã khỏi bệnh và 9.320 ca không qua khỏi.

[Dịch COVID-19: Số ca mắc mới ở Thái Lan đã qua mức đỉnh]

Người phát ngôn của CCSA trước đó cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng có những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca mới đã qua mức đỉnh và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian tới.

Bộ Y tế Philippines ghi nhân có thêm 16.044 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.839.635 ca. Số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 31.810 người sau khi có thêm 215 không qua khỏi.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận thêm 30.948 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 32.424.234 ca. Số ca tử vong cũng tăng 403 ca lên thành 434.367 ca. Hiện Ấn Độ vẫn đang điều trị cho 353.398 ca, mức thấp nhất trong 152 ngày qua.

Nhật Bản và Australia ghi nhận số ca mắc cao

Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày Chủ nhật ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này.

Con số này, vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó.

Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.

Người dân được xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: AAP/TTXVN)

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay.

Ngày 22/8, Australia ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales.

Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.

Từng phòng chống dịch COVID-19 thành công trong một thời gian dài nhưng giờ đây, New Zealand đang thừa nhận chiến lược tham vọng loại bỏ hoàn toàn virus "COVID zero" có thể không còn khả thi nữa khi mà một làn sóng dịch mới do biến thể Delta dễ lây lan đang bùng phát ở quốc gia châu Đại Dương này.

Ngày 21/8, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins cho biết có thêm 21 ca lây nhiễm mới liên quan ổ dịch được phát hiện ở Auckland hồi tuần trước, vốn đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca cộng đồng nào tại nước này đồng thời dẫn đến việc áp đặt phong tỏa trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Hipkins, bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta khiến đợt bùng phát này khó kiểm soát hơn những đợt trước và đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19.

Iran thêm hàng trăm ca tử vong, Israel xét nghiệm đại trà

Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo có thêm 684 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 102.038 ca.

Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận trong 1 ngày tại Iran vượt hơn 680 ca. Iran cũng ghi nhận 36.419 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 4.677.114 ca.

Trong khi đó, Chính phủ Israel ngày 22/8 đã bắt đầu một chiến dịch xét nghiệm đại trà đối với toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên cả nước, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng.

Theo kế hoạch, toàn bộ khoảng 1,4 triệu học sinh 3-12 tuổi tại Israel sẽ được xét nghiệm kháng thể với virus SARS-Cov-2, nhóm đối tượng vẫn chưa được tiêm phòng vaccine. Nhiều khả năng một phần trong số này đã từng bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh.

Nếu vậy, các em sẽ được cấp chứng nhận “Thẻ Xanh” để được miễn cách ly hoặc xét nghiệm trong các trường hợp có tiếp xúc với F0 hoặc khi tham gia các sự kiện đông người.

Bất chấp chiến dịch tiêm phòng hiệu quả, số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tại Israel vẫn tăng mạnh trong tuần qua ở mức trên 6.000 ca/ngày, với số ca nặng đã vượt con số 600./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục