Tình hình các ca bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12/2021. Tuy nhiên số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp.
Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng mới nhập viện. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/3, hiện số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12/2021.

Tuy nhiên số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp. 

Trong ngày 17/3 có 100.172 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 94.288 ca cách ly tại nhà, 588 ca cách ly tại các cơ sở cách ly.

Tại bệnh viện tầng 2 có 4.823 bệnh nhân (chiếm 4,8%), còn tại bệnh viện tầng 3 là 503 ca (chiếm 0,5%), trong đó có 97 ca thở máy xâm lấn. Ca bệnh nặng tập trung vào nhóm trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền. 

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 63 ca thở máy xâm lấn, trong đó có 60/63 ca có bệnh nền (chiếm 95%).

Trong đó, 42/63 ca không báo y tế địa phương khi biết mình nhiễm bệnh và không điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir trước khi nhập viện (chiếm 66,6%). 

Tại trường học, số ca nghi nhiễm trong tuần gần nhất (từ ngày 8/3-14/3) là gần 44.120 ca (cả học sinh và giáo viên), so với tuần trước đã tăng gần 6.670 ca.

Trong đó, số ca nghi nhiễm tăng đều ở các khối, tỷ lệ ca nghi nhiễm ở khối trung học phổ thông là 8,90%; khối trung học cơ sở là 7,47%; khối tiểu học là 6,64% và mầm non là 1,59%/tổng số ca mắc chung. 

Tính đến ngày 17/3, số trẻ cần hỗ trợ hô hấp (bệnh chuyển nặng) là 27 ca, trong đó có 19 ca ở các tỉnh thành chuyển đến, 8 ca ở Thành phố Hồ Chí Minh. Số trẻ thở máy xâm lấn là 5 ca (1 ca ở tỉnh khác, 4 ca ở Thành phố Hồ Chí Minh).

[Thành phố Hồ Chí Minh: Bổ sung thêm tiện ích trong quản lý F0 tại nhà]

Bốn trẻ mắc COVID-19 có bệnh lý nền/bệnh lý cấp tính nặng cũng đang được điều trị. Từ ngày 21/2 đến nay, Thành phố chưa ghi nhận trẻ mắc COVID-19 tử vong.

Trước đó, vào ngày 22/2, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, cần phải can thiệp hô hấp, thì Sở sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét dừng việc dạy học trực tiếp. 

Để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhi mắc COVID-19, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, tăng cường số giường điều trị COVID-19 (trong đó 50 giường hồi sức) và tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, chỉ đạo trực tuyến.

Về kết quả triển khai bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, tính đến chiều 16/3 có 213.777 người trên 65 tuổi kèm bệnh nền. Trong đó có 102.153 người được xét nghiệm tầm soát, 21.311 người được tiêm vaccine COVID-19, 1.253 người mắc COVID-19. 

Cũng trong báo cáo này, Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) sẽ ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 18/3. Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 1.000 giường. 

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại thành phố. Bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho hơn 700 bệnh nhân.

Sau khi ngừng nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế Thành phố vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các Bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16.

Các Bệnh viện dã chiến số 14, 16, Bệnh viện đa tầng Tân Bình, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng. 

Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. 

Đồng thời, Sở Y tế phân công theo từng mức độ bệnh của bệnh nhân COVID-19 mà sẽ được đưa đến bệnh viện thích hợp điều trị. Cụ thể, đối với người mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ, ưu tiên điều trị tại các bệnh viện dã chiến quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Đối với người mắc COVID-19 có các bệnh lý đi kèm và các bệnh lý đi kèm là nguyên nhân chính gây diễn tiến nặng, liên hệ chuyển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối.

Đối với người mắc COVID-19 nặng do COVID-19, liên hệ 6 trung tâm hồi sức COVID-19 theo địa bàn được phân công. Đối với người F0 có bệnh thận mạn cần chạy thận, đơn vị đang thực hiện chạy thận cho người bệnh có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly để tiếp tục chạy thận cho người F0./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục