Tình hình Afghanistan sau hai vụ nổ bom đẫm máu tại Kabul

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ, Tướng Kenneth McKenzie ngày 26/8 xác nhận vụ tấn công tại sân bay Kabul đã khiến 12 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Tình hình Afghanistan sau hai vụ nổ bom đẫm máu tại Kabul ảnh 1Khói bốc lên gần hiện trường vụ nổ ở sân bay Kabul, nơi đang diễn ra hoạt động sơ tán gấp rút công dân các nước khỏi Afghanistan, ngày 26/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận có ít nhất 2 vụ nổ tại Kabul, trong đó có một vụ nổ ở bên ngoài sân bay quốc tế tại Kabul và là một vụ "tấn công hỗn hợp" gây thương vong cho binh sỹ Mỹ và dân thường Afghanistan. 

Các nguồn tin tại chỗ cho biết ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, và 4 lính Mỹ cùng nhiều lính gác Taliban bị thương. Một bệnh viện do một tổ chức từ thiện của Italy điều hành cho biết họ đang điều trị cho hơn 60 người bị thương.

Mỹ gánh chịu thiệt hại nặng nề sau hai vụ nổ bom

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ, Tướng Kenneth McKenzie ngày 26/8 xác nhận vụ tấn công tại sân bay Kabul đã khiến 12 binh sỹ Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Tướng McKenzie cho biết mặc dù quân đội Mỹ đau buồn về cái chết của các binh sỹ, song việc sơ tán khỏi Afghanistan sẽ vẫn tiếp diễn.

Theo ông McKenzie, hiện có khoảng 1.000 công dân Mỹ vẫn mắc kẹt tại quốc gia Tây Nam Á này.

Tướng Kenneth McKenzie cũng lên án “2 phần tử đánh bom liều chết được cho là do các phần tử khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện,” và nêu rõ: “Chúng tôi đang làm việc rất nỗ lực ngay từ bây giờ để xác định nguồn gốc và những đối tượng có liên quan đến vụ tấn công hèn hạ này, và chúng tôi sẵn sàng đáp trả chúng.”

Tướng McKenzie cho biết thêm rằng các lực lượng Mỹ đã “chuẩn bị và sẵn sàng tự vệ trước các vụ tấn công tiềm ẩn tiếp theo của IS.”

[Mỹ xác nhận số thương vong trong các vụ nổ bên ngoài sân bay Kabul]

Mỹ đã sơ tán hơn 100.000 người khỏi Afghanistan kể từ cuối tháng 7/2021 và hiện còn khoảng 1.500 người Mỹ vẫn ở Afghanistan và chờ được sơ tán.

Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy đã hối thúc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi triệu tập một cuộc họp tại Hạ viện để thảo luận về tình hình tại Afghanistan.

Hạ nghị sỹ này nhấn mạnh rằng “cần phải họp Quốc hội trước ngày 31/8 để chúng tôi có thể được Chính quyền Tổng thống Biden thông tin ngắn gọn và toàn diện” về tình hình Afghanistan.

Hạ nghị sỹ McCarthy cũng cho rằng Hạ viện cần thông qua dự luật “cấm rút quân cho đến khi tất cả người Mỹ rời khỏi Afghanistan,” vốn ít có cơ hội được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Nghi vấn Nhà nước Hồi giáo Khorasan chủ mưu hai vụ đánh bom 

Giới chức Mỹ cho rằng nhóm khủng bố được gọi là ISIS-K, một chi nhánh của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Afghanistan, có tên gọi đầy đủ là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), đã thực hiện hai vụ đánh bom.

Mỹ cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ các vụ tấn công như vậy sẽ tiếp tục xảy ra tại Kabul. 

Tình hình Afghanistan sau hai vụ nổ bom đẫm máu tại Kabul ảnh 2Chuyển người bị thương trong vụ nổ nghi là đánh bom liều chết bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan ngày 26/8/2021. (Ảnh: Aljazeera/TTXVN)

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Biden và các nhà lập pháp đã cảnh báo rằng lượng người tập trung xung quanh sân bay quốc tế của Kabul quá đông khiến nơi này trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.

Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã cảnh báo công dân tránh đến sân bay.

Trước đó, giới chức Anh cũng đưa ra cảnh báo tương tự về nguy cơ tấn công khủng bố ở mức cao. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cũng cho rằng các mối đe dọa an ninh tại sân bay là rất đáng quan ngại.

Các quốc gia cân nhắc về việc tiếp tục sơ tán công dân

Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ các lực lượng đồng minh nên tiếp tục sơ tán càng nhiều người dễ bị tổn thương càng tốt khỏi Kabul bất chấp "cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng." Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Charles Michel, cũng ủng hộ quan điểm này.

Bỉ và Hà Lan đã ngừng các chuyến bay sơ tán từ sân bay ở Kabul và các nước đồng minh khác dự kiến sẽ có quyết định tương tự trong ít giờ tới hoặc vài ngày tới.

Đánh giá về tình hình an ninh tại Afghanistan sau khi xảy ra hai vụ đánh bom, Tổng thống Pháp  Emmanuel Macron nêu rõ tình hình tại đây đang xấu đi nghiêm trọng.

Phát biểu ngày 26/8 trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Tổng thống Macron nêu rõ: "Chúng ta đang đối mặt với một tình hình cực kỳ căng thẳng."

Ông cho biết đại sứ của Pháp tại Afghanistan sẽ không ở lại nước này vì lý do an ninh, đồng thời cho biết thêm các lực lượng đặc nhiệm của Pháp đã có mặt tại sân bay.

Cũng theo Tổng thống Macron, một số xe buýt đã có mặt tại cổng sân bay quốc tế ở Kabul, nhưng Pháp không thể đảm bảo rằng sẽ thực hiện thành công chiến dịch sơ tán khẩn cấp vào thời điểm này.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Quốc phòng Anh cho biết nước này không có thương vong về nhân sự của quân đội hoặc chính phủ sau vụ nổ ở sân bay Kabul. Các lực lượng của Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để hỗ trợ về an ninh và y tế.

Quốc tế lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu ở Kabul

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã “kịch liệt lên án những vụ tấn công khủng bố” vào đêm 26/8 gần sân bay Kabul của Afghanistan.

Thông cáo của Điện Elysee dẫn lời Tổng thống Macron bày tỏ “lời chia buồn của ông với các gia đình của những nạn nhân người Mỹ và người Afghanistan, sự ủng hộ của ông dành cho những người bị thương và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những người đang có mặt tại trên thực địa để tiến hành các hoạt động sơ tán.”

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày cũng đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken để bày tỏ lời chia buồn trước những thiệt hại của quân đội Mỹ vụ khủng bố trên.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz ngày 26/8 đã gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân trong 2 vụ đánh bom tại sân bay Kabul.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Gantz viết: “Tôi xin chia buồn trước những người đã ra đi và mong những người bị thương sớm bình phục. Chúng tôi luôn sát cánh với đối tác Mỹ.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/8 đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công liều chết ở khu vực trước sân bay Kabul tại Afghanistan, gọi đây là hành động hèn hạ, đồng thời cho biết tuy Đức đã ngừng hoạt động sơ tán ở thủ đô Kabul, song Berlin vẫn nỗ lực để đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Thủ tướng Merkel phát biểu tại cuộc họp báo nêu rõ: "Chúng tôi chưa rõ mọi chi tiết, song những kẻ khủng bố đã nhắm mục tiêu vào những người đang đợi tại cổng sân bay để được rời khỏi đất nước. Đây là những người mong muốn được an toàn và tự do, và do vậy vụ tấn công là hành động vô cùng hèn hạ."

Bà cho biết tình hình tại khu vực sân bay Kabul tiếp tục có những diến biến nguy hiểm và Đức đã ngừng hoạt động sơ tán, tuy vậy Berlin sẽ tiếp tục quan tâm tới những người phải đối mặt với những nguy hiểm ở Afghanistan và sẽ nỗ lực để đưa những người này ra khỏi quốc gia đang chìm trong khủng hoảng.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Tajikistan, Uzbekistan và Pakistan trong những ngày tới để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Afghanistan.

Các cuộc thảo luận nhằm tìm cách để cộng đồng quốc tế có thể ứng phó với tình hình Afghanistan cũng như các điều kiện cho thỏa thuận về một chính phủ mới ở Kabul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục