Tinh gọn bộ máy tại Bắc Kạn, Bình Thuận: Không để xảy ra tiêu cực khi sắp xếp

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn quán triệt trong quá trình sắp xếp không để xảy ra tiêu cực, phải quyết liệt theo đúng tinh thần không phải vì sắp xếp tổ chức bộ máy mà bỏ trống địa bàn, bỏ trống lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Trinh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Trinh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Ngày 26/12, Tỉnh ủy Bắc Kạn và Bình Thuận tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả."

Bắc Kạn: Trong sắp xếp, yêu cầu không để xảy ra tiêu cực

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới của tỉnh sẽ có tác động đến tâm tư, tình cảm và quyền lợi của cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, theo phân cấp quản lý cán bộ, các cấp, ngành phải làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ yên tâm, xác định đây là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước vì sự phát triển chung. Cán bộ, đảng viên phải ủng hộ, tự giác chấp hành theo phân công của tổ chức.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn quán triệt, trong quá trình sắp xếp yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, phải quyết liệt hơn nữa theo đúng tinh thần không phải vì sắp xếp tổ chức bộ máy mà bỏ trống địa bàn, bỏ trống lĩnh vực; nhất là không để xảy ra tiêu cực trong tư tưởng, phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao nhất trong cơ quan, ổn định ngay, đi vào hoạt động sau khi sáp nhập...

Trước mắt, Bắc Kạn mới đề xuất sắp xếp các cơ quan, đơn vị theo gợi ý của Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát các tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị chưa sắp xếp và cắt giảm dừng hoạt động các Ban Chỉ đạo...

Theo Tỉnh ủy Bắc Kạn, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh những năm qua được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn do hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, thống nhất; một số mô hình, tổ chức, bộ máy thí điểm mới, chưa có tiền lệ. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện...

Bắc Kạn đã đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị. Cụ thể: kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh, Đảng ủy Các cơ quan tỉnh, Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; hợp nhất Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo của Huyện ủy, Thành ủy...

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp các Ban thuộc Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; sắp xếp, tổ chức lại việc thực hiện các bản tin, trang thông tin.

bac-kan-tong-ket-thuc-hien-nghi-quyet-18-2-resize.jpg
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Tỉnh hợp nhất một số phòng, ban thuộc huyện, thành phố; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị, địa phương theo kế hoạch; thành lập mới hai Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Bắc Kạn, gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, Hội đồng Nhân dân, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.

Bắc Kạn kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo sửa đổi hệ thống văn bản liên quan đến phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; trong đó có công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện phải sắp xếp theo quy định...

Bình Thuận: Dự kiến giảm 5 sở và 7 phòng chuyên môn thuộc sở

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, thực hiện Nghị quyết số 18, tỉnh tập trung triển khai với tinh thần nghiêm túc, chủ động, quyết tâm cao và đã đạt được một số kết quả bước đầu cùng những chuyển biến rõ nét trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Toàn Đảng bộ đã tập trung quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kế hoạch, kết luận của Trung ương; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

binh-thuan-tinh-gon-bo-may-resize.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Đoàn Anh Dũng, chủ trì họp sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm số lượng lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban chuyên môn; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị ngày càng rõ hơn.

Đồng thời, khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế đạt tỷ lệ tinh giản theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bình Thuận nhìn nhận, việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 là việc mới, khó, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai vẫn gặp một số lúng túng, khó khăn, vướng mắc.

Sau sắp xếp, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị chưa cao, chưa phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tỉnh ủy đã thống nhất một số định hướng lớn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy toàn hệ thống chính trị thời gian tới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cần thực hiện nghiêm, bám sát chủ trương, chỉ đạo, định hướng cơ cấu tổ chức của Trung ương bảo đảm sự thống nhất quản lý theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, địa phương xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nên cần sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Trung ương.

Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.

Qua thảo luận, Tỉnh ủy thống nhất phương án tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy toàn hệ thống chính trị thời gian tới.

binh-thuan-tinh-gon-bo-may2-resize.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Cụ thể, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, đánh giá, sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo quản lý để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với cơ cấu lại, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tỉnh ủy thống nhất kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh, Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện theo đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Dự kiến sau sắp xếp, tỉnh sẽ giảm 1 Ban Đảng cấp tỉnh, 10 Ban Đảng cấp huyện; giảm 5 sở, 1 Ban Quản lý dự án trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, 7 phòng chuyên môn trực thuộc sở; giảm 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 5 chi cục trực thuộc sở, giảm 22 phòng chuyên môn cấp huyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục