Tỉnh Gia Lai định hướng phát triển theo nền kinh tế xanh

Để phát triển kinh tế bền vững, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia La cho biết, tỉnh sẽ hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, thu hút đầu tư chọn lọc, không đánh đổi kinh tế với môi trường.
Tỉnh Gia Lai định hướng phát triển theo nền kinh tế xanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xác định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu thế tất yếu, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đã được tỉnh Gia Lai ứng dụng vào quy trình sản xuất trên địa bàn tỉnh, như: công nghệ lai tạo giống cây trồng, công nghệ nuôi cấy mô thực vật, các công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trồng tiêu, cà phê theo hướng hữu cơ sinh học.

Để phát triển kinh tế bền vững, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, ông Hồ Phước Thành cho biết tỉnh sẽ hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi kinh tế với môi trường.

Hình thành các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Theo kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh Gia Lai có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 15.000 tỷ đồng.

Riêng từ năm 2017 đến nay, 14 dự án có vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động; trong đó, phần lớn đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Ngoài ra, còn có 46 dự án khác đang trong giai đoạn triển khai đầu tư và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương. Gia Lai đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên về diện tích sản xuất nông nghiệp với trên 500.000 ha cây trồng các loại.

Anh Ngô Văn Tiên, người đi đầu trong xu hướng trồng tiêu sạch, chăm sóc theo hướng hữu cơ vi sinh tịa tỉnh Gia Lai, cho biết anh cùng bà con nông dân hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; đồng thời, với thị hiếu tiêu dùng nông sản sạch hiện nay thì hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai từ nay đến năm 2025 là xây dựng một khu nông nghiệp cao cấp và 5 tiểu khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Dự kiến thời gian tới sẽ xây dựng và phát triển 94 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng hàng hóa có thế mạnh của tỉnh với diện tích khoảng 50.000 ha và 27 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các vật nuôi chủ lục và nuôi trồng thủy sản có thế mạnh của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Trưởng, Chỉ tịch Hội nông dân tỉnh Gia Lai, cho biết chủ trương tỉnh Gia Lai là nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp.

Cùng đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cửa hàng cung ứng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại giữa trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc biệt là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay có thể kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Hiện tập đoàn này đang phối hợp với Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với 2.000ha cây ăn quả. Đây được xem là “bàn đạp” góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho tỉnh.

Bên cạnh đó là dự án trồng rừng, trồng hồ tiêu với diện tích hơn 100 ha của Công ty Trường Thịnh-Olam Chư Pưh nhằm sản xuất giống hồ tiêu chuẩn, sạch bệnh để cung ứng cho dân trồng từ năm 2019 trở đi.

Nhà máy Chế biến Rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao tại Mang Yang đi vào hoạt động với công suất lên đến hàng chục ngàn tấn sản phẩm mỗi năm. Đây là trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu.

Cùng với đó, tiềm năng điện năng lượng mặt trời của tỉnh Gia Lai cũng được đánh giá rất cao, có quy mô công suất lớn và được xem là bước đột phá trong nền kinh tế xanh của tỉnh nhà.

Hiện, đã có 3 dự án điện năng lượng mặt trời đang trong giai đoạn hoàn thành đưa vào sử dụng tại huyện Krông Pa; 32 dự án điện năng lượng mặt trời được tỉnh Gia Lai đồng ý chủ trương cho phép khảo sát nghiên cứu với công suất dự kiến 3.951 MW.

Ngoài ra, có 17 dự án (tổng công suất dự kiến 1.298 MW) đang được khảo sát, chọn vị trí, đề xuất UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Các dự án triển khai sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho tỉnh, có thể bù vào lượng điện đang thiếu hụt mà không gây ảnh hưởng đến môi trường như thủy điện.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai khẳng định với mục tiêu hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi kinh tế với môi trường nên những dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, tỉnh Gia Lai đã cân nhắc và tuyệt đối không nhận dù dự án có mức đầu tư lớn hay mang lại nguồn lợi kinh tế cao.

Điển hình là mới đây, tỉnh Gia Lai đã từ chối một dự án có vốn đầu tư lớn liên quan đến chế biến sản phẩm từ phế liệu. Kể cả các dự án thủy điện mới đều không được phê duyệt đầu tư.

Thay vào đó, tỉnh đang rất quan tâm đến lĩnh vực đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… nhằm bảo vệ môi trường sống của con người.

Theo đánh giá ngành chuyên môn, sở dĩ thời gian gần đây các nhà đầu tư ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hướng về đầu tư tại Gia Lai bởi nguồn đất trên địa bàn tỉnh dồi dào chất dinh dưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển trồng các loại rau xứ lạnh.

Việc nguồn đất còn sạch, chưa bị can thiệp bởi các loại phân hóa học sẽ không ẩn các bệnh lây truyền cho cây trồng, đồng thời đất sạch sẽ dễ xử lý để bón các loại phân hữu cơ vi sinh.

Vì thế, lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt được xem là một trong những hướng đi đúng đắn, là lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Gia Lai.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung của Nhà nước theo Luật Đầu tư; nhà đầu tư khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ đầu tư do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy tại một số ngành nghề thuộc các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, quảng bá phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các chính sách bao gồm hỗ trợ về san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; hỗ trợ chi phí lập dự án đầu tư và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm, chợ công nghệ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục