Tỉnh Đồng Nai đối thoại gỡ khó khăn với các doanh nghiệp có vốn FDI

Tại Hội nghị gặp gỡ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ngày 28/3, nhiều doanh nghiệp FDI phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình mở rộng sản xuất, lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà...
Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu - doanh nghiệp có vốn FDI tại Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 28/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình mở rộng sản xuất; lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà; thủ tục cấp phép cải tạo, sửa chữa công trình; lưu trú của chuyên gia; vấn đề trả tiền thuê đất một lần; thủ tục thuế.

Đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Terumo BCT Việt Nam (Công ty Terumo, Khu Công nghiệp Long Đức) cho biết chủ trương của Chính phủ Việt Nam cũng như Đồng Nai là giảm khí thải carbon, sử dụng năng lượng sạch.

Thời gian qua, Công ty Terumo cũng như nhiều doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Long Đức mong muốn được lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ từ Khu Công nghiệp Long Đức, quá trình lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà gặp khó khăn, ách tắc.

Theo các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Amata, Khu Công nghiệp Sông Mây, những năm qua, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể về việc xây dựng thêm nhà xưởng (giai đoạn 2), ngành chức năng Đồng Nai đã cam kết sẽ giao đất để doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Song đến thời điểm này, việc giao đất vẫn chưa được thực hiện.

Doanh nghiệp đề nghị tỉnh cho biết rõ thời gian bàn giao đất, qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, trước đây Đồng Nai tạo điều kiện cho chuyên gia được ở trong tòa nhà sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, nay quy định pháp luật thay đổi. Tỉnh đưa ra lộ trình cuối năm 2024 tất cả chuyên gia đều phải ra ở bên ngoài.

Vấn đề đặt ra đối với Đồng Nai là trong khu công nghiệp chưa có nhà lưu trú, cơ sở lưu trú gần khu công nghiệp ít, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hiện tỉnh đang rà soát hiện trạng lưu trú đối với chuyên gia, trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục gia hạn cho chuyên gia ở trong khu nhà riêng biệt trong doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết tới đây Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo, qua đó có những đánh giá cụ thể về tác động của Luật Đất đai mới đối với doanh nghiệp. Sau đó, tỉnh đề ra chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thuê đất.

Theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai, hiện tỉnh gặp nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghiệp Amata, Khu Công nghiệp Sông Mây.

Công nhân làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trên phần đất quy hoạch khu công nghiệp có nhiều hộ đang sinh sống. Ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Về lắp đặt điện năng lượng Mặt Trời mái nhà, đến nay Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp Đồng Nai đã cấp phép cho 28 doanh nghiệp lắp đặt và đang tiếp tục giải quyết hồ sơ của các doanh nghiệp khác.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho thấy tỉnh hiện có 33 khu công nghiệp được thành lập, là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh thu hút được hơn 570 triệu USD vốn FDI, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay Đồng Nai có gần 1.560 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn hơn 34 tỷ USD.

Tỉnh nhìn nhận, dù có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp (tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi, có cảng biển, sân bay), song công nghiệp của Đồng Nai vẫn còn những hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Các khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều khu công nghiệp thu hút các dự án hỗn hợp, sử dụng nhiều lao động phổ thông; tốc độ tăng trưởng công nghiệp khiêm tốn, giá trị sản xuất thấp.

Tới đây, ngành chức năng Đồng Nai sẽ tiếp tục thay đổi trong thu hút đầu tư, ưu tiên dự án công nghiệp cao, sử dụng công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục