Tỉnh Đồng Nai - điểm đến thành công của doanh nghiệp FDI

Đồng Nai hiện có gần 1.400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn thực hiện hơn 22 tỷ USD. Năm 2022, doanh nghiệp FDI đóng góp gần 14 tỷ USD giá trị xuất khẩu và trên 30% thu ngân sách của tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai - điểm đến thành công của doanh nghiệp FDI ảnh 1Dây chuyền sản xuất càphê viên nén của Công ty Nestlé Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Những năm qua, Đồng Nai luôn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp FDI đến Đồng Nai và gặt hái những thành công trong sản xuất, kinh doanh, từ đó họ liên tục tăng vốn, xác định gắn bó lâu dài.

Với việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, mở mới các khu công nghiệp, Đồng Nai kỳ vọng trong tương lai sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều dòng vốn ngoại, là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Năm 1998, Công ty Nestlé Việt Nam (100% vốn của Thụy Sĩ) chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Từ đó, công ty liên tục mở rộng sản xuất và đến nay đã có bốn nhà máy tại Việt Nam với hơn 2.200 lao động; trong đó riêng Đồng Nai có ba nhà máy.

Năm 2021, dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng Nestlé Việt Nam vẫn đầu tư thêm khoảng 130 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này vào Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và Truyền thông-Công ty Nestlé Việt Nam cho biết sau khi tăng vốn, nhà máy Nescafe Trị An tại Đồng Nai sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất càphê hòa tan phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là một trong những nhà máy càphê lớn nhất trên thế giới, chuyên cung ứng cho nhu cầu tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Việc chọn Đồng Nai là địa phương chủ lực để phát triển là do tỉnh có vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh. Việt Nam có lợi thế sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây càphê. Với vị trí địa lý đặc biệt, quy mô dân số gần 100 triệu người, doanh nghiệp tin rằng trong tương lai Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất toàn cầu.

Ông Khuất Quang Hưng chia sẻ Việt Nam có lực lượng lao động giỏi tay nghề, tinh thần làm việc cống hiến. Chúng tôi tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Đồng Nai cũng như Việt Nam, coi đây là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn và bền vững. Thời gian qua, Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu và đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do và cộng đồng kinh tế.

Năm 2006, ông Jame Hiếu, một Việt kiều Australia cùng vài người bạn nước ngoài đầu tư 5 triệu USD xây dựng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai. Những năm đầu hoạt động, công ty chỉ có 200 công nhân, vài dây chuyền máy, sản phẩm làm ra tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

[Tạo môi trường đầu tư thuận lợi ở Đồng Nai: Tăng hợp tác đầu tư]

Hơn 15 năm sau, vốn đăng ký của công ty đạt gần 15 triệu USD với bốn dây chuyền sản xuất, sử dụng gần 700 lao động. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa gà Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn, mở thêm nhà máy mới.

Ông Jame Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek cho biết, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty được ngành chức năng hỗ trợ rất nhiều. Do đặc thù doanh nghiệp gắn bó với ngành chăn nuôi, để có gà đạt chuẩn xuất khẩu, chính quyền Đồng Nai đã giúp công ty trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn.

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, đến nay, Đồng Nai có gần 1.400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn thực hiện hơn 22 tỷ USD. Trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Hyosung, Tập đoàn Phong Thái, Tập đoàn Nestlé, Tập đoàn Bosch.

Doanh nghiệp FDI có vai trò rất quan trọng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2022, doanh nghiệp FDI đóng góp gần 14 tỷ USD giá trị xuất khẩu và trên 30% thu ngân sách của tỉnh.

Thống kê cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm tại Đồng Nai có gần 100 doanh nghiệp FDI điều chỉnh tăng vốn. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tăng vốn trên dưới 100 triệu USD.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trong thu hút đầu tư, Đồng Nai không có chính ưu đãi riêng, “xé rào,” tỉnh giải quyết các vấn đề theo luật định, phù hợp thông lệ quốc tế. Nhà đầu tư quyết định gắn bó lâu dài, đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh là vì địa phương không ngừng cải cách thủ tục hành chính, quán triệt thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ.”

Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều buổi đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, liên hệ với các địa phương khác để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi, xã hội.

“Đơn cử như khi doanh nghiệp đến xin cấp phép đầu tư, nếu hồ sơ của họ chưa đầy đủ, Ban quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai vẫn nhận và đề nghị họ bổ sung sau. Với vấn đề liên quan đến sở, ngành khác, Ban tìm hiểu, hướng dẫn doanh nghiệp cách giải quyết. Đây là những việc đơn giản, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài thì có ý nghĩa rất lớn,” ông Phạm Văn Cường nhấn mạnh.

Tỉnh Đồng Nai - điểm đến thành công của doanh nghiệp FDI ảnh 2Thi công cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Hiện ở Đồng Nai có nhiều giao thông trọng điểm quốc gia đang triển khai, nổi bật nhất là sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tính toán của tỉnh, những năm tới, khi sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc đi vào hoạt động thì địa phương sẽ có thêm nhiều lợi thế trong thu hút dòng vốn ngoại. Để tận dụng thời cơ, tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng giao thông kết nối, mở thêm các khu công nghiệp mới.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết vừa qua Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cho Đồng Nai thêm hai khu công nghiệp với diện tích trên 6.200ha; tỉnh đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ để sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Để thúc đẩy công nghiệp phát triển, từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường kết nối các quốc lộ, huyện, thành phố trong tỉnh với sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc.

Trong thu hút đầu tư, Đồng Nai ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, mang lại giá trị gia tăng cao.

Đồng Nai đang đối diện với một tương lai tương sáng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp công nghệ cao, trở thành đích đến của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì tỉnh không chỉ trông chờ vào lợi thế tự nhiên mà còn phải tiếp tục đổi mới, đặc biệt là cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện triệt để phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục