Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tăng tỷ lệ càphê chế biến sâu (càphê bột, càphê hòa tan, các loại càphê chế biến khác theo thị hiếu của thị trường…) lên 15%; đến năm 2030, tăng lên từ 20-30% trong tổng sản lượng càphê nhân của tỉnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm càphê - cây nông sản có giá trị xuất khẩu số một của tỉnh.
Tỉnh đã khuyến khích, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư rang xay thế giới đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm càphê bột, càphê hòa tan, các sản phẩm càphê chế biến sâu khác để gia tăng giá trị sản phẩm càphê xuất khẩu.
Tỉnh cũng đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến càphê xuất khẩu, càphê chế biến sâu quy trình thu hái, phơi sấy, bảo quản càphê nhân sau thu hoạch, chế biến sâu và xây dựng, áp dụng quy trình quản lý doanh nghiệp tiến tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho càphê đã chế biến sâu gắn với truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng càphê chế biến sâu theo chuỗi, tiếp cận thị trường…
Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng càphê nhân nhiều nhất nước, với gần 204.000ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn càphê nhân trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh chỉ mới có 145 cơ sở chế biến sâu, với công suất thiết kế trên 32.100 tấn, chiếm hơn 5% trong tổng sản lượng càphê nhân trên địa bàn.
Thực tế, năm ngoái, tỉnh Đắk Lắk chỉ mới chế biến sâu được 28.000 tấn, trong đó có 23.000 tấn càphê bột, 5.000 tấn càphê hòa tan và đã xuất khẩu 4.520 tấn càphê hòa tan (chiếm 2,3% số lượng càphê nhân xuất khẩu) đạt kim ngạch gần 27 triệu USD, chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu càphê của tỉnh. Sản lượng càphê chế biến sâu còn lại tiêu thụ trong nước.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Nghị, chế biến sâu càphê trên địa bàn tỉnh chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, năng lực tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế, chính sách của tỉnh còn nhiều bất cập, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sâu đối với sản phẩm càphê…/.