Tính cách khó lường của ông Trump đe dọa các thị trường châu Á

Hai mươi năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) và khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2008), những đám mây báo hiệu cơn bão đang hội tụ trở lại.
Tính cách khó lường của ông Trump đe dọa các thị trường châu Á ảnh 1(Nguồn: Daily Express)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, tháng 7/2018, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đặt câu hỏi liệu thế giới đang chuẩn bị đón một cơn bão tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đạt điểm cao kỷ lục, thậm chí ngay cả khi các thị trường mới nổi như Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những vấn đề trao đổi ngoại hối của họ.

20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) và khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2008), những đám mây báo hiệu cơn bão đang hội tụ trở lại.

Các mô hình kinh tế thông thường đã không thể dự báo được hai cuộc khủng hoảng trên bởi vì về mặt kỹ thuật việc đánh giá rủi ro tài chính là không ổn định.

Các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã chứng minh rằng các mô hình rủi ro tài chính hiện nay, đa phần được các ngân hàng và các kiểm soát viên tài chính sử dụng, hoàn toàn không nhìn thấy trước những sự kiện "Thiên Nga đen" hay "Hà Mã."

Thời gian này, mọi người đều nhất trí cho rằng “Hà Mã” (một sự kiện rất có khả năng xảy ra và có tác động lớn, nơi châm ngòi cho sự bất ổn) là việc Mỹ tăng lãi suất nhằm đối phó với nền kinh tế trong nước đang gần như vận hành hết công suất, với mức độ thất nghiệp thấp nhưng các chỉ số lạm phát đang dần tăng.

BIS cảnh báo những người vay phi tài chính bên ngoài nước Mỹ nợ 11,5 nghìn tỷ USD, thì trong đó 3,7 nghìn tỷ USD là số nợ của các thị trường mới nổi.

Khủng hoảng tiền tệ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là triệu chứng của việc quản lý yếu kém các chính sách trong nước và nghiêm trọng hơn là mối đe dọa cấm vận kinh tế của Mỹ.

Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã nợ nước ngoài lên đến 467 tỷ USD. Khi rủi ro toàn cầu tăng lên, dòng vốn sẽ chảy trở lại thị trường chứng khoán Mỹ và lãi suất tăng cao là không thể tránh nổi.

Các thị trường mới nổi không có sự thay thế nên cho phép hạ thấp tỷ giá hối đoái hoặc tự bảo vệ mình bằng cách tăng lãi suất cho dù có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng. Gần đây, cả Indonesia và Hong Kong đã phải bảo vệ tỷ giá hối đoái của mình thông qua biện pháp tăng lãi suất và can thiệp.

Vấn đề nan giải đối với lãi suất của Mỹ là các nền kinh tế có số nợ trong và ngoài nước cao thường dễ bị tổn thương trước các quy định thắt chặt tài chính cũng như nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Những chuyên gia dự báo về sụp đổ tài chính của khu vực Đông Á lập luận rằng số nợ của Trung Quốc vượt quá 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ là nguyên nhân hàng đầu.

Rủi ro tài chính không chỉ gia tăng ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Tháng 5/2018, công ty xử lý dữ liệu Dun và Bradstreet đã xuất bản cuốn sách “Ma trận rủi ro toàn cầu,” trong đó cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ, khiến nền kinh tế toàn cầu co lại.

Tháng 7/2018, trong Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa sự phục hồi tăng trưởng ở châu Âu, Nhật Bản và Anh.

Bất kỳ “sự quá nhiệt” nào ở Mỹ cũng sẽ gây ra khủng hoảng tiền tệ cho một số thị trường mới nổi.

Tóm lại, rủi ro tài chính và rủi ro địa chính trị không thể tách rời. Bất kỳ sự kiện bất ngờ nào do tính toán sai lầm về địa chính trị, thảm họa biến đổi khí hậu, sự đổ vỡ bởi chiến tranh hay tấn công mạng đều có thể châm ngòi cho một chu kỳ khủng hoảng tài chính khác.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ hai sự mất cân bằng về cấu trúc.

Thứ nhất, Mỹ là quốc gia thâm hụt ngân sách hàng đầu về thương mại và nợ, với khoản nợ dòng thế giới là 7,7 nghìn tỷ USD (39,8% GDP). Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng khi nợ tài khóa tăng lên và tích lũy quốc gia thấp đi.

Thứ hai, tăng trưởng toàn cầu dưới mức trung bình kể từ năm 2008 đã được bảo đảm gần như hoàn toàn bởi các chính sách tiền tệ bất thường của ngân hàng trung ương khi giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp không ổn định.

Các thị trường lo sợ rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ rút lại nới lỏng định lượng (Qexit), đe dọa và cản trở sự phục hồi vốn mong manh hiện nay, đó là lý do tại sao Tổng thống Donald Trump phản đối Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Nếu rủi ro địa chính trị lấn áp rủi ro tài chính, điều gì có thể trở nên không ổn trong những tháng tới?

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng ngòi nổ sẽ xuất phát từ khủng hoảng tài chính Trung Quốc. Nhưng nợ Trung Quốc là nợ nội bộ, Trung Quốc có dự trữ ngoại hối tương đương 188% số nợ nước ngoài và vẫn có thặng dư tài khoản vãng lai. Vấn đề nợ của Trung Quốc là vấn đề nợ nội bộ, rất giống Nhật Bản. Trong khi nợ của Nhật Bản phần lớn là nợ hộ gia đình, nợ của Trung Quốc phần lớn là nợ của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương cho đến các ngân hàng do nhà nước làm chủ.

[Ba lý do thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tài chính mới]

Trong hoàn cảnh này, Trung Quốc vẫn có thể đảm bảo cân đối ngân sách quốc gia, một đặc quyền không dành cho các thị trường do tư nhân chi phối.

Một “Thiên nga đen” (một sự kiện khả năng xảy ra thấp nhưng có tác động lớn) là việc bất ngờ tăng tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và USD. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng tài sản của mình ở nước ngoài kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến tháng 7/2018, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng các tài sản của mình nhiều nhất trong số các ngân hàng trung ương lớn (lên 4,9 nghìn tỷ USD hay 100% GDP).

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản nước ngoài và tài sản ròng của Nhật Bản đã tăng lần lượt lên 9 nghìn tỷ USD và 2,9 nghìn tỷ USD - gần tương đương 1/4 mức tăng tổng nợ nước ngoài của Mỹ trong cùng thời gian này.

Thâm hụt thương mại của Mỹ được duy trì liên tục bởi dòng chảy vốn nước ngoài (mà có nguồn gốc từ ngân hàng trung ương), trong đó Nhật Bản là nước đóng góp lớn.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, sự thay đổi nhanh chóng trong tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và USD đã gây ra tình trạng rút tiền vay ngân hàng của Nhật Bản từ châu Á, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản bằng tiền mặt trong khu vực.

Vấn đề làm phức tạp thêm nguy cơ khủng hoảng tài chính hiện này là nỗ lực kiểm soát thâm hụt thương mại của Tổng thống Trump. Ông cho rằng các cuộc thảo luận song phương có thể đảo ngược mức tăng nợ quốc gia bất ổn hiện nay mà đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua và có thể tăng tới 100% GDP trong thập kỷ tới.

Thuế quan chỉ có thể làm tăng lạm phát cho người tiêu dùng, sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn và phá hoại sự ổn định tài chính vốn mong manh có được là nhờ các chính sách tiền tệ bất ổn.

Cuộc khủng hoảng tiếp theo nhiều khả năng nhất sẽ xuất phát từ sai lầm địa chính trị. Trong kỷ nguyên các chính trị gia không kiên định trong các quyết định của mình, các nhà quản lý ngân hàng trung ương có lẽ chỉ là các chuyên gia, những người dường như có thể làm điều gì đó để hạn chế rủi ro tài chính.

Nhưng vì Tổng thống Trump không quan tâm nhiều đến lời khuyên của giới chuyên gia, cho nên các thị trường châu Á sẽ lo ngại về những rủi ro do tính cách khó lường của ông Trump nhiều hơn là sự bất ổn tài chính có thể lường trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục