Mê đắm và tiếc nuối!

"Tình ca" Thanh Tuyền: Thỏa lòng, vẫn nuối tiếc!

Thanh Tuyền ngày nào giờ vẫn nồng nàn, da diết, đốt cháy người hâm mộ, nhưng giá như đêm nhạc diễn ra sớm hơn và khâu tổ chức tốt hơn!
Được giới thiệu là sau gần nửa thế kỷ năm đi hát, Thanh Tuyền trở về nước tái ngộ cùng khán giả Thủ đô với đêm nhạc mang tên "Thanh Tuyền- Bản tình ca mùa đông," nhiều người đã mê đắm tìm cách có mặt trọng khán phòng Nhà hát Lớn.

Đêm nhạc vừa diễn ra vào ngày 13/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cái lạnh tối mùa đông Hà Thành đã hòa đồng cùng những bản tình ca buồn mà vẫn nồng nàn bởi nhiệt huyết từ nữ ca sĩ ngoại lục tuần.

Thỏa lòng nghe Thanh Tuyền hát...

Thanh Tuyền nổi danh và thành công với sự nghiệp ca hát từ sớm. Chị được coi là "Thần đồng ca hát của Đà Lạt" từ năm 10 tuổi. 17 tuổi, chị về Sài Gòn lập nghiệp và nổi danh từ năm 1964 với ca khúc "Chiều mưa biên giới" (Nguyễn Văn Đông). Nhiều người còn nhớ mãi khi nghe Thanh Tuyền thả giọng: “nằm nghe sóng vỗ tình nhớ thương …”

Thanh Tuyền đã về nước nhiều lần và biểu diễn tại phòng trà, nhưng đây là lần đầu tiên nữ danh ca hải ngoại làm show xuyên Việt. Trong đêm nhạc này, chị thể hiện lại một số ca khúc đã làm nên tên tuổi của mình như: "Đà Lạt hoàng hôn," "Đường xưa lối cũ,"  "Câu chuyện đầu năm," "Cô hàng xóm," "Hoa biển," "Biển tình" ...

Những năm gần đây, Thanh Tuyền thường xuyên về nước làm từ thiện, chị tâm sự: “Đời ca hát cho tôi được dịp đi đó đi đây nhiều, nhưng ở đâu tôi cũng là người Việt Nam và luôn yêu Tổ quốc. Trong 10 bài tôi hát thì tới 9 bài nói về quê hương."

Chị đã nói: "Mặc dù sống ở xứ người nhưng trong lòng tôi luôn nhớ về Việt Nam, mơ một lần được về để hát cho khán giả quê nhà nghe, không cần tiền nong gì cả. Nhiều lúc ngồi một mình nhớ dòng sông, bến nước, con đò..., nhớ lại những kỷ niệm xưa mà khóc”.

Ngay sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn, Thanh Tuyền đầy xúc động tâm sự: "Tôi vô cùng hạnh phúc. Bây giờ, tôi không đi hát vì tiền bạc. Tôi mong trời cho có sức khỏe để hát phục vụ khán giả. Thấy khán giả thương mình đến vậy tôi sẽ cố gắng cứ hát được là sẽ đem tiếng ca đến với mọi người."

Tất cả những ai có mặt đều xúc động và không thể quên được cảnh ca sĩ Thanh Tuyền cứ bị yêu cầu hát hoài, chị dừng lại trò chuyện, thở, rồi lại hát. Dường như bằng vỗ tay, bằng yêu cầu hát bằng lời, khán giả không cho chị lui vào. Mãi rồi, những người tham gia chương trình đã phải "kéo ra" cùng chào khán giả thì chị mới được "buông tha" khỏi không khí hâm mộ, ngỡ khó dứt.

Trước sự chứng kiến của phóng viên, có một cặp vợ chồng khán giả khoảng trên 40 tuổi cứ năn nỉ và nhiệt thành mong được chụp ảnh cùng Thanh Tuyền. "Vợ chồng cháu hâm mộ cô lắm. Cháu mê nghe cô hát từ bé, bây giờ mới được gặp. Cô cho chúng cháu được đứng bên cô chụp ảnh kỷ niệm nhé!"


Nhưng tổ chức vẫn còn "sạn"

Ngoài việc được diện kiến, được nghe Thanh Tuyền hát, thì trong đêm diễn của ca sĩ Thanh Tuyền khán giả có vẻ hơi thất vọng về những ca sĩ hát "lót", hát "đệm."

Có lúc từ hàng ghế khán giả vang lên câu nói phản ứng: "Mua vé vào nghe Thanh Tuyền hát cơ mà, chị Thanh Tuyền đâu rồi?"  Sự nôn nóng này do hâm mộ  nữ ca sĩ  sinh năm 1949 cũng có, mà do các ca sĩ hát "lót" chưa được hay cũng có.

Ca sĩ Kim Anh từng được yêu thích với giọng ca ấm trầm, vậy mà lần này hát trong chương trình của Thanh Tuyền, tiếng hát của chị đã nhuốm sẫm màu thời gian. Các giọng ca Quang Thành, Quang Bình, Đăng Vũ cũng chưa  thật thuyết phục với những người có mặt xem chương trình.

Ra khỏi khán phòng Nhà hát Lớn, bên cạnh nét "thỏa nguyện" của những người mê Thanh Tuyền thì cũng có những gương mặt hơi buồn vì "Bản tình ca mùa đông" đã được hát vào lúc đời người nghệ sĩ, dù thanh sức, cũng đã xao xác vào Thu khá lâu rồi.

Cho dù Thanh Tuyền vẫn vậy, nồng ấm và vang vọng nhưng cũng có lúc người nghe thấy sự hụt hơi. Tiếng thở dốc trước micro khi chị trả lời giao lưu, khiến cho nhiều người se lòng.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, một khán giả là luật gia chia sẻ rằng đoạn đầu phải nghe những người khác hát "độn" nên thấy chán và hẫng. Nhưng đến khi nghe Thanh Tuyền thì cũng xứng chờ.

Khán giả này nói thêm: "Theo tôi, Thanh Tuyền nên hát những bài gắn với chị ấy thôi. Nghe tiếng hát Thanh Tuyền ca "Ở hai đầu nỗi nhớ" cứ thấy thế nào ấy. Có lẽ vì không quen. Khi chị ấy hát vào bài 'ruột' như 'Đà Lạt hoàng hôn'  thì quả là tuyệt vời."

Một số nhà báo chuyên viết về âm nhạc có mặt nhận định rằng chương trình thiếu tính tổ chức nên có vẻ tùy tiện, "tùy hứng qua cầu" quá! Kịch bản lỏng lẻo nên có những đoạn khán giả phải chờ nghe nói về những chủ đề không liên quan lắm với ca sĩ chính. Cách sắp xếp cứ giống kiểu diễn ở phòng trà chứ chưa có sắp đặt lớp lang, sau trước để diễn ở một khán phòng lớn và sang trọng bậc nhất như Nhà hát Lớn.

Bên cạnh sự nuối tiếc về thời gian không ưu ái với ai, dù là người có tài và có tâm, thì còn có cả sự đáng tiếc về việc tổ chức không rõ chủ đề, không thật thuyết phục với một sự sâu chuỗi mang tính nghệ thuật. Ngoài tên gọi mỹ miều "Bản tình ca mùa đông" thì phần dẫn nối và tăng tiến cho mạch cảm nhận của người thưởng thức chưa hề được chú trọng.

Như vậy, không thể mong ca sĩ Thanh Tuyền trẻ lại và cả những khán giả một thời mê đắm tiếng ca của chị cũng không thể có lại được tuổi yêu xưa. Nhưng chương trình thì có thể hay hơn!/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục