Nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả cũng như thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Cà Mau khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp chống xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng; trong đó chỉ trong tháng Hai vừa qua đã vận động người dân đắp trên 500 con đập ngăn mặn.
Đồng thời, tỉnh cũng thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời, cụ thể là hỗ trợ mức 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên.
Tình trạng hạn hán được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt và sẽ kéo dài tới tháng Năm năm nay, vì vậy mức độ thiệt hại cũng như hậu quả của nó sẽ còn nghiêm trọng hơn. Chủ trương của chính quyền địa phương là chủ động với tất cả mọi giải pháp có thể để giảm thấp nhất thiệt hại cho người dân. Tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế thả tôm nuôi trái vụ; tiết kiệm nước giếng, ưu tiên nước dành cho sinh hoạt, tưới tiêu hoa màu.
Đối với phòng chống cháy rừng, tỉnh đang khẩn trương triển khai theo kế hoạch đã được duyệt, huy động người dân sở tại phối hợp chặt chẽ cùng với nhân viên kiểm lâm tham gia trực chữa cháy rừng, hạn chế người không có trách nhiệm ra vào rừng; tạm thời dừng việc vào rừng lấy mật ong; có kế hoạch bảo vệ an toàn Vườn quốc gia Vồ Dơi U Minh Hạ.
Theo báo cáo của tỉnh, trên lĩnh vực nông nghiệp đã có 6.000ha lúa thiệt hại 30% trở lên, 23.000ha thiệt hại từ 70% trở lên. Ngoài ra còn có 43.000ha rừng tràm bị khô nước, nguy cơ cháy rất cao. Tình trạng xâm mặn cũng đã ảnh hưởng tới trên 5.000ha đất sản xuất ven sông, ven biển. Xâm mặn đã làm thiệt hại trên 2.000ha hoa màu, cây ăn trái và cây trồng, vật nuôi khác.
Ước tính sơ bộ thiệt hại do hậu quả của thiên tai từ đầu năm đến nay lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là đợt hạn hán, xâm mặn gây hậu quả chưa từng có từ trước đến nay. Nghiêm trọng đến mức chính quyền phải công bố tình trạng thiên tai cấp độ I./.