Tỉnh Bình Dương xuất siêu hơn 9 tỷ USD trong cả năm 2022

Bất chấp nhiều khó khăn chung, nền kinh tế Bình Dương đã phục hồi khá tốt trong năm 2022, với mức xuất siêu đạt 9,1 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm.
Sản xuất hàng may mặc tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 29/12, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương đã cho biết, trong năm 2022 tỉnh Bình Dương đã xuất siêu 9,1 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm.

Theo ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, năm 2022 tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo nhưng nền kinh tế Bình Dương phục hồi khá tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn.

Rõ nét nhất là trị giá xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh từ mức bình quân 3,3-3,4 tỷ USD/tháng ở các tháng đầu năm, đến tháng 7/2022 giảm mạnh chỉ còn 2,9 tỷ USD, tiếp theo giảm dần đến tháng 11/2022 chỉ còn 2,5 tỷ USD, giảm từ 500-900 triệu USD hàng hóa xuất khẩu/tháng so với các tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, tính cả trong năm 2022 tỉnh xuất siêu 9,1 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 61.940 tỷ đồng, đạt 91,4%; chi đầu tư phát triển thực hiện 8.816 tỷ đồng.

Tỉnh thu hút 6.235 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới với tổng vốn hơn 40.100 tỷ đồng và 1.681 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn thêm 62.900 tỷ đồng.

Về đầu tư nước ngoài FDI, tính đến ngày 15/12/2022 tỉnh đã thu hút đầu tư 3,1 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 69 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,9 tỷ USD.

Mặc dù hoàn thành 30/34 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhưng kinh tế Bình Dương vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Đối với sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chỉ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022, kể từ quý 3 đến cuối năm có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Dự kiến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn trong quý 1/2023 và thời gian tiếp theo.

Đặc biệt, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch năm 2022 được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao.

Trong năm 2023 Bình Dương sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối nền kinh tế của tỉnh.

Với thế mạnh là công nghiệp, tỉnh tiếp tục xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục