Trật tự địa chính trị hiện nay, những tiến bộ trong công nghệ và tầm quan trọng của việc duy trì lợi thế cạnh tranh là những yếu tố sẽ khiến các hoạt động tình báo kinh tế gia tăng trong thời gian tới.
Mặc dù Mỹ vẫn là nước mạnh nhất thế giới, nhưng những lợi thế của Mỹ so với các nước khác đã giảm đi phần nào sau hơn 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Mỹ giờ đây đối mặt với nhiều thách thức hơn bởi hệ thống chính trị quốc tế đã chuyển đổi từ đơn cực sang đa cực.
Một thế giới đa cực có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc cạnh tranh ngang hàng hơn và như vậy thông tin tình báo sẽ là công cụ chủ chốt giúp mỗi nước duy duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Nga và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động tình báo của họ như họ vẫn làm từ trước tới nay. Tuy nhiên, một thế giới đa cực có nghĩa là các nước nhỏ hơn sẽ có thêm lựa chọn nhằm cân bằng các mối quan hệ chính trị, kinh tế của họ đồng thời sẽ có nhiều cơ hội và động lực để tham gia vào các hoạt động tình báo kinh tế.
Việc tạo dựng và duy trì đồng minh trong một thế giới ngày càng phức tạp này cũng có nghĩa là các nước nhỏ có nhiều khả năng có thể thoát hiểm khi gây ra những vụ thâm nhập/vi phạm trong lĩnh vực kinh tế bởi các nước lớn hơn muốn duy trì các đồng minh chiến lược của mình.
Một nền kinh tế ngày càng số hóa và sự lan tràn trên không gian mạng các loại công cụ và phương pháp để thực hiện hoạt động gián điệp sẽ khiến các cơ quan tình báo kinh tế nhỏ hơn thể tham gia vào cuộc chơi này.
Thậm chí cơ hội còn mở ra cho cả những cơ quan tình báo phi nhà nước vốn không có sẵn nguồn lực truyền thống, đồng thời sẽ khiến ngày càng nhiều thứ trở thành các mục tiêu tiềm năng của hoạt động tình báo trên thế giới.
Trung Quốc
Trung Quốc đang tìm cách đuổi kịp Mỹ và các nước khác về một số lĩnh vực trong các ngành như công nghệ, dược phẩm và nông nghiệp. Những gì đang xảy ra với ngành công nghiệp chất bán dẫn là ví dụ điển hình cho thấy tình hình sắp tới sẽ diễn biến như thế nào.
Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm có chất bán dẫn, ví dụ như bộ vi xử lý và chip nhớ. Nước này mua tới 60% tổng lượng sản phẩm bán dẫn của thế giới được xuất khẩu theo dạng linh kiện điện tử.
[Rệp nghe lén vẫn là vũ khí lợi hại trong tình báo kinh tế]
Nhưng Trung Quốc cũng dựa nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài đối với phần linh kiện chất bán dẫn và phải mua khoảng 70% lượng chất bán dẫn từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Dù ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ đầu tư hàng tỷ USD vào ngành này, Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp với các khu vực sản xuất vừa được đề cập ở trên.
Theo dự báo, nhu cầu về chất bán dẫn trong những năm sắp tới sẽ ngày càng tăng bởi ngày càng có nhiều sản phẩm dựa trên tính năng xử lý và giám sát bên trong. Ví dụ, việc phát triển các thiết bị có kết nối Internet có nghĩa là các thiết bị cảm biến và bộ vi xử lý sẽ được đưa vào tất cả mọi thứ, từ máy móc công nghiệp cho đến những vật nhỏ bé như bóng đèn.
Các phương tiện tự hành ngày càng phổ biến và ngành sản xuất xe hơi đang hướng tới việc bao hàm hệ thống vi mạch tích hợp là những lý do dẫn tới tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn. Tình trạng này đã làm gián đoạn hoạt động tại một số dây chuyền sản xuất ôtô tại Mỹ.
Việc Trung Quốc muốn trở thành nước có các chuỗi cung ứng chất bán dẫn hàng đầu trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới không chỉ các công ty của Mỹ mà nhiều công ty khác của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc trong những năm sắp tới.
Đài Loan từ lâu đã là mục tiêu đặc biệt hấp dẫn đối với tình báo Trung Quốc bởi khoảng cách gần, ngôn ngữ tương đồng và Đài Loan chiếm một thị phần lớn trong sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm các loại chất bán dẫn.
Tính tới năm 2018, Trung Quốc đã dành ra khoảng 72 tỷ USD nhằm đạt được các mục tiêu trong kế hoạch “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) đối với ngành bán dẫn, trong đó, một phần ngân sách được chi ra để tuyển dụng các kỹ sư Đài Loan. Trong một số vụ việc tình báo trước đây liên quan tới việc tuyển dụng nhân tài nước ngoài, Trung Quốc đã áp dụng việc trao thưởng tiền mặt cho những tân binh mang tới cho họ những phát minh của các công ty đối thủ.
Năm 2020, tòa án của Đài Loan đã phạt công ty United Microelectronics Corp (UMC) 36 triệu USD sau khi công ty này đứng về phía công ty sản xuất chip điện tử của Mỹ Micron Technology và cáo buộc các nhân viên của UMC đánh cắp các bí mật thương mại và làm lợi cho công ty nhà nước của Trung Quốc có tên là Fujian Jinhua Integrated Circuit Co.
Tiếp sau đó, Mỹ đáp trả thêm bằng việc thực hiện một số hành động chống Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, ví dụ như đưa công ty sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc có tên là Semiconductor Manufacturing International Corp. vào danh sách đen và cấm công ty này tiếp cận một số công nghệ của Mỹ trong năm 2020.
Nga
Nga vốn từ trước tới nay dựa vào ngành năng lượng và Bộ Tài nguyên Môi trường của Nga ước tính năng lượng tự nhiên như dầu khí chiếm tới 60% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Doanh thu ngành năng lượng cũng chiếm tới 80% xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, tình hình giá dầu giảm mạnh vào năm 2020 và khả năng khách hàng lớn nhất của Nga là châu Âu sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu nguồn năng lượng này từ Nga. Điều này đã cho thấy Moskva cần đa dạng hóa nền kinh tế, không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng, để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế của trong tương lai.
Chính phủ Nga rất khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ và coi đó là ngành tiềm năng giúp Nga có được sự đa dạng hóa về kinh tế, nhưng đến nay nỗ lực của họ chưa mang lại nhiều thành công. Tính tới cuối năm 2020, ngành công nghệ thông tin của Nga chỉ chiếm 8% giá trị trên thị trường chứng khoán, thấp hơn nhiều so với Mỹ (27%) và Trung Quốc (17%).
Moskva chắc chắn sẽ tiếp tục dựa vào các hoạt động tình báo kinh tế để hỗ trợ ngành công nghệ thông tin của họ vốn đang phải vật lộn vì các lệnh trừng phạt và vấn nạn chảy máu chất xám.
Ví dụ, hồi tháng 2/2021 vừa qua, Thụy Điển đã xét xử một công dân của họ là nhân viên tư vấn công nghệ vì người này đã chuyển bí mật thương mại, bao gồm cả mã nguồn của hãng xe Scania và Volvo cho một nhà ngoại giao Nga.
Chỉ cần nhìn vào và đánh giá các chiến dịch tình báo kinh tế hiện nay và trước đây, có thể thấy được các thông số cần thiết cho thấy một quốc gia bất kỳ có dựa vào hoạt động tình báo để hỗ trợ cho nền kinh tế của họ hay không và các chiến dịch tình báo của họ thành công ở mức độ nào.
Có thể dựa vào những tiêu chí đánh giá như sự giám sát của chính phủ. Các chính phủ với cơ cấu tập trung quyền lực đều có liên quan mật thiết với các hoạt động thương mại. Các nền kinh tế tập trung dựa vào chính phủ độc đảng chuyên quyền thường tạo ra một môi trường mà ở đó, sự thành công về chính trị phải có quan hệ khăng khít với những thành tựu kinh tế.
Những nước như vậy thường quốc hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động thương mại. Sự giám sát của hệ thống chính trị giúp giảm bớt rào cản hay cản trở giữa các cơ quan an ninh nhà nước với các doanh nghiệp.
Một tiêu chí khác là nhu cầu phát triển kinh tế. Đối với các nước mà sự tồn vong hoặc chí ít là sự ổn định ngắn hạn của họ phụ thuộc vào phát triển nhanh nền kinh tế thường sẽ không tuân thủ luật lệ quốc tế bởi những luật lệ này vốn không khuyến khích hoạt động tình báo kinh tế.
Hơn nữa, những nước nhỏ bị bao quanh bởi những cường quốc lớn ngày càng bành trướng hơn thường nhìn nhận phát triển kinh tế là vấn đề sống còn và họ sẽ hỗ trợ nền kinh tế của chính mình bằng bất cứ giá nào, kể cả phải tiến hành hoạt động tình báo kinh tế.
Bên cạnh đó, có rất nhiều ví dụ cho thấy chính các nước đồng minh với nhau lại tiến hành hoạt động gián điệp theo dõi nhau. Do đó, sự liên kết chính trị giữa hai nước nhìn chung đóng vai trò như một biện pháp ngăn ngừa các chiến dịch tình báo kinh tế kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu là bởi hai nước có thể hưởng lợi từ hợp tác kinh tế với nhau hơn là đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của nhau.
Những nước có ý định và sẵn có kinh nghiệm tình báo trong các lĩnh vực khác, ví dụ như trong chiến lược hay quân sự, thì đã sẵn có khả năng tình báo để có thể tiến hành các hoạt động tình báo kinh tế. Cho nên việc những nước này đánh cắp các bí mật thương mại chỉ là vấn đề chiến lược có nên làm không chứ không phải vấn đề khả năng có làm được không.
Một số nước đề cập dưới đây không phải là tất cả nhưng ít ra cũng giúp hình dung ra những nước kiểu như vậy sẽ chính là mối đe dọa về tình báo kinh tế dựa theo các tiêu chí vừa nêu ở trên.
Iran
Iran hội tụ tất cả những tiêu chí đã nêu ở trên. Dù về mặt kỹ thuật, Iran là một hệ thống nghị viện nhưng trên thực tế, Iran có chế độ thần quyền nắm giữ quyền lực và không có chính sách nào được thông qua mà không có sự chấp thuận của nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei đồng thời cũng không có thách thức nào đáng gọi là cản trở với họ.
Hơn nữa, quân đội và các cơ quan tình báo có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, và nước này thường dùng năng lực tình báo để phục vụ song song cho cả mục đích lợi ích kinh tế.
Hai trong số những công ty lớn nhất của Iran là Công ty Dầu khí Quốc gia Iran và Công ty Hóa dầu Iran đều là các đơn vị của Bộ Dầu khí Iran. Cũng giống như Nga, Iran phụ thuộc chủ yếu vào ngành năng lượng và hiện đang phải vật lộn để đa dạng hóa nền kinh tế vì bị áp các lệnh trừng phạt năng nề.
Iran cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các hoạt động tình báo ở nước ngoài. Dù mục tiêu chủ chốt vẫn là tình báo chiến lược, quân đội và theo dõi những người ly khai ở nước ngoài, nhưng gần đây đã có những bằng chứng cho thấy Iran đang tiến hành cách chiến dịch tình báo kinh tế nhằm theo đuổi mục tiêu thương mại.
Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ đã xác đinh chuyên án “Mối đe dọa liên tục tăng cao” (gọi mã hóa là APT33) đang nhắm tới mục tiêu là các công ty vì lợi ích thương mại của Iran. Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2017, các chuyên gia đã thu thập được bằng chứng cho thấy APT33 nhắm tới các công ty có trụ sở tại Mỹ và Saudi Arabia hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như một công ty hóa dầu của Hàn Quốc, sau khi có tuyên bố Hàn Quốc hợp tác với ngành hóa dầu của Iran.
Iran cũng chứng tỏ họ đã cải thiện được đáng kể khả năng tình báo mạng trong những năm gần đây, nhằm vào các nước như Saudi Arabia, Israel và Mỹ. Nhưng do những khó khăn về kinh tế và mối liên hệ chặt chẽ giữa các hoạt động chính trị và thương mại nên nhiều khả năng Iran sẽ ứng dụng ngày càng nhiều khả năng tình báo của họ cho mục đích kinh tế.
Triều Tiên
Tại Triều Tiên, các hoạt động chính trị và thương mại liên kết với nhau hết sức chặt chẽ. Hơn nữa, do đang bị cô lập và không được tiếp cận với các thị trường phương Tây nên họ dường như không có gì để mất mà không tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế.
Hầu hết các hoạt động tấn công mạng của Triều Tiên đều nhằm mục đích đưa ra quan điểm chính trị của họ (chẳng hạn như vụ tấn công mạng hãng Sony năm 2014) hay nhằm thu lợi tài chính và họ cũng rất muốn có được các bí mật thương mại. Chính quyền Triều Tiên đã tham gia vào một liên doanh với Orascom cung cấp các dịch vụ điên thoại di động và rất muốn tăng doanh thu thông qua việc có được các bản quyền sở hữu trí tuệ.
Triều Tiên hoàn toàn có khả năng đánh cắp các bí mật thương mại và tất cả những thông tin cần thiết khác nhằm theo đuổi các chiến dịch tình báo kinh tế nhưng hiện chưa rõ liệu Triều Tiên có khả năng lấy được các bí mật đó trên diện rộng hay không.
Chương trình hạt nhân thành công và cả vụ làm giả đô la Mỹ đình đám của Bình Nhưỡng rõ ràng đã chứng tỏ năng lực cao của họ và có lẽ việc theo đuổi phát triển tập trung mạnh mẽ vào một mục tiêu trọng tâm có thể mang lại nhiều thành công hơn nữa cho Triều Tiên trong tương lai.
Triều Tiên nói chung thiếu các thị trường vốn và nền tảng sản xuất, mà lại cần phải có những thứ này để có thể khai thác được các bí mật kinh tế thương mại. Triều Tiên cũng không thể thu hút được giới chuyên gia giỏi từ các nước bỏ các công ty lớn để đến Triều Tiên, giúp Triều Tiên tạo lập các tập đoàn cạnh tranh của mình.
Nhưng cũng không vì thế mà Triều Tiên lại không tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế, vụ Orascom cho thấy rằng ít nhất cho đến thời điểm này, Triều Tiên vẫn muốn sử dụng các hoạt động tình báo để bổ sung năng lực công nghệ trong nước chứ không phải để thách thức các nước khác trên thị trường toàn cầu.
Các mục tiêu tương lai
Những vụ tấn công vào chuỗi cung ứng là dấu hiệu cho thấy trình độ tình báo kinh tế hiện nay và trong tương lai sẽ như thế nào. Việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào lưu trữ các bí mật thương mại bằng kỹ thuật số cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các mã phần mềm và mã độc quyền.
Nhưng điều này cũng đồng thời cho thấy các phần mềm sẵn có giúp tin tặc có thể truy cập trái phép vào các hệ thống riêng sẽ khiến các hoạt động tình báo kinh tế ngày càng lấn sâu hơn vào không gian mạng.
Trong vụ việc tấn công mạng tầm cỡ quốc tế đầu năm nay, SolarWinds là một công ty công nghệ ít tiếng tăm có trụ sở ở Texas, nhưng giờ được cả thế giới biết đến khi trở thành tâm điểm trong vụ tấn công mạng tác động lên nhiều lĩnh vực khác như địa chính trị, hoạt động tình báo và an ninh quốc gia.
Trong 9 tháng, một nhóm tin tặc đã khai thác lỗ hổng trên Orion - một sản phẩm quản lý mạng của SolarWinds; khai thác thông tin từ chính quyền và doanh nghiệp ở nhiều nước, bao gồm Mỹ, Anh, Israel và Canada.
Nhóm tin tặc tinh vi này đã sử dụng những công cụ tối tân để đóng giả làm nhân viên hợp pháp nhằm thu thập thông tin mật được lưu trữ theo mô hình dữ liệu đám mây. Như chúng ta đã thấy từ vụ SolarWinds và cả các vụ tấn công vào các chuỗi cung ứng trước đó, các công ty lớn nằm trong tầm ngắm của các chiến dịch gián điệp kinh tế có thể sẽ bị tấn công/xâm phạm một cách gián tiếp thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ hơn, ít người biết đến.
Bản chất của các vụ tấn công vào các chuỗi cung ứng cũng như các chiến thuật tình báo mạng khác là làm giảm bớt mức độ liên quan về vị trí địa lý của mục tiêu. Điều quan trọng hơn chính là sự kết nối ảo giữa mục tiêu với mục đích tình báo.
Các nước đứng đầu về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục là mục tiêu chính của các hoạt động gián điệp. Các xã hội này khá mở và ngân sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển của họ rất lớn đã khiến những công ty đặt tại các nước này trở thành mục tiêu của nhiều tập đoàn công nghệ mới.
Nhưng sẽ có ngày càng nhiều các công ty được thêm vào danh sách nói trên bởi các nền kinh tế đều đang đa dạng hóa và công nghệ ngày càng phát triển, nở rộ. Những tiến bộ rất nhanh của Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, nhận diện khuôn mặt và công nghệ pin một lần nữa có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động gián điệp kinh tế bởi nhiều nước muốn khiến cho Trung Quốc giảm bớt tầm ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế.
Ấn Độ cũng là một mục tiêu hấp dẫn tiềm năng bởi ngành công nghệ thông tin tại đây đã đem về gần 200 tỷ USD trong năm 2019, chưa kể rất nhiều công ty công nghệ lớn của thế giới cũng đang hoạt động tại Ấn Độ.
Các thành phố như Mumbai, Bengaluru và Hyderabad hiện được coi là sắp trở thành các trung tâm công nghệ lớn toàn cầu với sự góp mặt của các trung tâm nghiên cứu của các hãng đình đám như Google, Samsung và Mercedes-Benz hiện tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, 5G và xử lý tín hiệu.
Tất cả các lĩnh vực này đều khiến các điệp viên kinh tế được nhà nước bảo trợ hết sức quan tâm, chưa kể tới yếu tố là sự cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và New Delhi rõ ràng sẽ khiến Trung Quốc đặc biêt quan tâm tới ngành công nghệ của Ấn Độ.
Một lý do khác khiến Ấn Độ có thể trở thành mục tiêu cho các vụ tấn công vào các chuỗi cung ứng trong tương lai là bởi quốc gia này đã phát triển ngành dịch vụ thông tin thông qua cung cấp các dịch vụ văn phòng thông thường như tính lương, kế toán và hỗ trợ mạng lưới truyền thông.
Các công ty và dịch vụ như vậy thường không có những bí mật thương mại mà các nước khác cần tìm kiếm, nhưng chính những nơi đó sẽ giúp các tin tặc tiếp cận được các công ty có sở hữu các bí mật thương mại.
Nếu các cơ quan tình báo nước ngoài có thể thâm nhập vào một công ty cung cấp dịch vụ ít người chú ý hoặc biết đến thì họ hoàn toàn có thể xâm nhập vào dữ liệu của các công ty khách hàng lớn./.