Tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Trong 5 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn đăng ký với tổng số vốn hơn 1,11 tỷ USD, xếp sau Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội.

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong ca làm việc. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong ca làm việc. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2024, 5 địa phương đứng đầu cả nước về hút vốn FDI là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Bà Rịa-Vũng Tàu đứng đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Nội đứng thứ hai với gần 1,14 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 5 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh tăng vốn đăng ký với tổng số vốn hơn 1,11 tỷ USD. Trong đó, cấp cho 202 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký mới gần 661 triệu USD; tăng 95 dự án và tăng 127,6 triệu USD so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc với 127 dự án; Hong Kong 29 dự án; Singapore 19 dự án...

Ngoài ra, tỉnh đã điều chỉnh vốn cho 70 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 445,6 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 24 lượt với gần 29 triệu USD.

Riêng tháng 5, tỉnh Bắc Ninh cấp mới đăng ký đầu tư cho 45 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 110 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 13 dự án với số vốn điều chỉnh tăng gần 21 triệu USD.

Trong những tháng đầu năm 2024, nhằm khắc phục khó khăn, thách thức bởi tình hình kinh tế thế giới, trong nước, tỉnh Bắc Ninh đã có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của với các kịch bản cụ thể và tình hình kinh tế trong tháng 5 có xu hướng tích cực.

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiến độ thu hoạch lúa xuân năm nay nhanh hơn năm trước; sản lượng một số cây lâu năm, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 13,11%, cao hơn so với tháng trước và rất cao (tới 27,11%) so với cùng tháng năm trước. Đáng chú ý, sau 3 tháng liên tiếp đạt mức tăng so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 5 tháng, lần đầu tiên đã đạt mức tăng dương trở lại (0,16%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy chưa đạt được quy mô so với năm 2022, nhưng số liệu trên đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.

bac ninh1.JPG
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Về hoạt động thương mại dịch vụ, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt lĩnh vực du lịch lữ hành tăng gấp nhiều lần, kéo theo dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng ở mức 2 con số.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 tiếp tục tăng cao so với tháng trước (11,1%) và tăng rất cao so với cùng tháng năm trước (30,8%). Việc tăng nhanh trong những tháng gần đây đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế vì đây là vốn mồi của nền kinh tế. Lũy kế 5 tháng đã có đạt được mức tăng 3,5% so với CK.

Ngoài ra, cân đối thu chi ngân sách cũng là điểm sáng khi tổng thu tháng 5 tăng khá cao (13,7%). Lũy kế 5 tháng, tăng rất cao (17,6%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục