Tỉnh Bạc Liêu tập trung đầu tư nâng tầm giá trị ngành tôm

Tỉnh Bạc Liêu quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm cả nước cả từ việc xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Tỉnh Bạc Liêu tập trung đầu tư nâng tầm giá trị ngành tôm ảnh 1Người dân huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thu hoạch tôm trên nền đất lúa. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Trong năm 2022 và những năm tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Riêng trong 10 tháng năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, song với nhiều nỗ lực, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bạc Liêu tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 371.789 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 705 triệu đô la Mỹ (USD), tăng hơn 10%; toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 91 sản phẩm được công nhận đạt OCOP…

Cùng với cây lúa, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực, là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò là trụ đỡ và góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu. Thế mạnh này đang được tỉnh đầu tư để phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 20% cả nước.

Toàn tỉnh có 188 cơ sở sản xuất tôm giống; trong đó, 159 cơ sở sản xuất tôm sú, 29 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng, 137 cơ sở ương dưỡng tôm giống.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất khoảng 125.000 tấn thành phẩm/năm, thị trường tiêu thụ là gồm các nước lớn và có nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…

[Bạc Liêu tăng tốc phát triển kinh tế những tháng cuối năm]

Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm là 5,28% và đạt 970 triệu USD vào năm 2025. Trong 10 năm qua, ngành tôm đã góp phần đem lại giá trị sản xuất ngành thủy sản của Bạc Liêu trên 29.700 tỷ đồng.

Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 công ty, doanh nghiệp và 711 hộ dân tham gia sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, quy trình này đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp… góp phần bảo vệ môi trường nuôi, hướng đến xây dựng thành công quy trình nuôi tôm bền vững, cho năng suất, chất lượng cao. 

Chính quyền tỉnh Bạc Liêu đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, xử phạt rất nặng các trường hợp này để răn đe và tiến đến xóa hẳn tình trạng làm ăn bất chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tỉnh Bạc Liêu tập trung đầu tư nâng tầm giá trị ngành tôm ảnh 2Tôm nuôi trong ao phủ bạt tại Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tỉnh Bạc Liêu quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm cả nước cả từ việc xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước; sản phẩm đến với người tiêu dùng phải ngon, sạch, chất lượng, an toàn.

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới là thu hút mời gọi các dự án đầu tư và chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Cùng với đó, tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Để tăng cường quảng bá tiềm năng, hình ảnh của Bạc Liêu đến với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị hoàn chỉnh cho hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bạc Liêu năm 2022.

Theo đó, nội dung vào các nội dung nghiên cứu đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu khẳng định, với quyết tâm làm giàu từ con tôm và tạo ra những đột phá mới giúp con tôm phát triển nhanh, theo hướng bền vững, thời gian qua, Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng.

Đặc biệt là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng; đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu… 

Mặt khác, để khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng mô hình nuôi tôm dựa trên các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC… nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với cấp mã số truy xuất nguồn gốc.

Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đạt từ 9-10%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,72 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34.940 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (thu nội địa) đạt 3.263 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 920 triệu USD...

Với những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu, sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành chia sẻ của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” của tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả.

Thông qua các chủ trương thu hút hút đầu tư và các chính sách phát triển hài hòa, bền vững, kỳ vọng trong tương lai sẽ có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh Bạc Liêu ngày càng nhiều hơn, cùng tỉnh thúc đẩy và đầu tư có hiệu quả vào 5 trụ cột kinh tế của tỉnh; trong đó có con tôm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục