Tỉnh Bắc Giang hỗ trợ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển 18 điểm du lịch cộng đồng; trong đó, huyện Sơn Động hỗ trợ 3 điểm ở thôn Nà Ó, xã An Lạc; Tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử; bản Đồng Cao, xã Phúc Sơn.
Tỉnh Bắc Giang hỗ trợ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển ảnh 1Du khách tham quan, chụp ảnh tại vườn vải thiều xã Nam Dương, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN)

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển 18 điểm du lịch cộng đồng; trong đó, huyện Sơn Động được hỗ trợ ba điểm tại thôn Nà Ó, xã An Lạc; Tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử và bản Đồng Cao, xã Phúc Sơn.

Huyện Yên Thế được hỗ trợ ba điểm tại bản Ven, bản Xoan, bản Thượng Đồng, xã Xuân Lương. Huyện Việt Yên được hỗ trợ một điểm tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà.

Huyện Lục Nam được hỗ trợ hai điểm tại bản Khe Nghè, xã Lục Sơn và bản Đá Húc, xã Bình Sơn. Huyện Lục Ngạn được hỗ trợ 9 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả thuộc các xã: Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Tân Mộc, Mỹ An, Sơn Hải, Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp.

Việc hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo ra việc làm cho người lao động, thu hút khách du lịch.

Theo đó, các điểm du lịch cộng đồng sẽ hình thành các hợp tác xã du lịch cộng đồng, gồm một số đội như đội lưu trú homestay, đội nấu ăn, đội văn nghệ, đội hướng dẫn, đội vệ sinh môi trường, đội nghề truyền thống.

Qua đó, mỗi điểm du lịch cộng đồng tạo việc làm cho khoảng 500 lao động, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.

Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2025, các điểm du lịch cộng đồng và tham quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách trên năm; trong đó có 10.000 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng.

Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách, Bắc Giang sẽ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng giao tiếp, đưa, đón khách, hướng dẫn, thuyết minh, phục vụ ăn uống, lưu trú, văn nghệ; tổ chức cho các hợp tác xã, hộ dân tham gia du lịch cộng đồng tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch cộng đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh vận động các doanh nghiệp lữ hành tăng cường khảo sát, xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch của tỉnh, trọng điểm là các điểm du lịch cộng đồng với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh; mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

[Du lịch Bắc Giang: Khai thác tiềm năng, phát triển bền vững]

Bên cạnh đó, Bắc Giang hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng như hỗ trợ một số hộ dân làm du lịch cộng đồng mua trang thiết bị chăn, ga, gối, đệm, màn, rèm, quạt điện...; xây dựng một số biển chỉ dẫn, biển báo, biển nội quy về khu du lịch cộng đồng; trang thiết bị cho đội văn nghệ; hỗ trợ đóng thuyền, trang bị phao cứu sinh, áo; cải tạo nhà văn hóa, nhà vệ sinh đạt chuẩn cho hộ gia đình tham gia du lịch cộng đồng và vùng cây ăn quả.

Các điểm thăm quan, vui chơi giải trí từng bước được quy hoạch phù hợp để thu hút du khách, hình thành sản phẩm đặc trưng cho từng điểm du lịch cộng đồng.

Nhằm thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển, từ năm 2014, Bắc Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, giai đoạn 2014-2020, tỉnh tập trung chủ yếu hình thành điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn.

Đến nay, thôn Nà Ó, xã An Lạc, huyện Sơn Động đã có dịch vụ du lịch cộng đồng với 7 hộ thành viên, một nhà sàn văn hóa truyền thống; mỗi năm đón khoảng 18.000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế có Hợp tác xã Thân Trường với 20 hộ xã viên, có nhà sàn của hộ ông Thân Nhân Khuyến là điểm thu hút được nhiều du khách đến dừng chân tham quan, đặt các dịch vụ ăn, nghỉ, mỗi năm đón khoảng 50.000 lượt khách đến thăm quan trải nghiệm.

Vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn vào mùa vải thiều, mùa cam, bưởi... đã có nhiều đoàn khách về tham quan trải nghiệm; những năm gần đây, mỗi năm đón khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan vùng cây ăn quả.

Huyện Lục Ngạn đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, bố trí các điểm đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải…

Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Giang vẫn còn hạn chế do hạ tầng điện, nhà lưu trú, các công trình vệ sinh ở các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch cộng đồng chưa được đầu tư, nâng cấp. Việc tổ chức quản lý, điều hành các dịch vụ chưa chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch và các dịch vụ tại các khu, điểm du lịch và du lịch cộng đồng chưa phong phú, hấp dẫn; nguồn vốn của Nhà nước và của cộng đồng dân cư đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục