Khi nghe hoặc đọc về những tin tức tiêu cực trong các bản tin thời sự hàng ngày, nhiều người sẽ cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ như thể nó xảy ra với người quen hoặc với chính mình.
Mahima Didwania, Nhà tâm lý học lâm sàng tại Phòng khám The Other của Singapore, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân bị chấn thương tâm lý trong hơn 10 năm nay, cho biết đây là điều phổ biến và hoàn toàn bình thường.
Bà nói: “Mặc dù một số tình huống tiêu cực không trực tiếp xảy ra với chúng ta nhưng chúng ta sẽ vẫn bị ám ảnh, bởi sự gắn kết giữa con người với nhau mạnh hơn hơn chúng ta tưởng.”
Didwania mô tả đây là “chấn thương gián tiếp” về tinh thần, trong đó, chúng ta có cảm xúc sợ hãi, đau buồn và giận dữ khi xem những tin tức như đại dịch, xả súng, lạm phát, thiên tai, xung đột, giao tranh xảy ra trên thế giới.
Didwania cho biết ảnh hưởng của chấn thương gián tiếp rất lớn và phải được xem xét nghiêm túc. “Mặc dù bạn không phải là nạn nhân trực tiếp nhưng sức khỏe tinh thần của bạn vẫn bị ảnh hưởng.”
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh việc đọc tin tức tiêu cực có thể kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, khiến cơ thể bạn giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline.
Theo thời gian, những phản ứng này sẽ gây tổn hại đến thể chất và tinh thần. Một số triệu chứng phổ biến nhất là khó ngủ, mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm.
Didwania cho biết: “Tiếp nhận nhiều tin tức tiêu cực sẽ khiến cảm giác lo lắng gia tăng, đặc biệt là sau khi xem các video hoặc hình ảnh đau buồn liên quan đến sự kiện đau thương. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể gặp ác mộng hoặc bị ám ảnh không dứt về những gì mình đã chứng kiến.”
Bà cho hay một số người nhận thấy mình trở nên dễ tức giận, cáu kỉnh, hoặc muốn khóc vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Trong khi đó, Nhà tâm lý học tư vấn Padma Jairam cho biết những người theo "giả thuyết thế giới công bằng" cho rằng thế giới này là công bằng, những điều tốt đẹp đến với những người tốt và những điều xấu chỉ xảy ra với những người bị coi là xấu.
“Vì vậy, nhiều người cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng khi chứng kiến những người vô tội bị giết hoặc bị áp bức, và thế giới trở nên u ám,” Jairam nói.
Hai chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp cân bằng việc cập nhật những tin tức và bảo vệ sức khỏe tinh thần của bạn.
Cởi mở với cảm xúc
Nhà tâm lý học lâm sàng Didwania nói rằng bạn không cần kìm nén cảm xúc của mình khi đọc những tin tức tiêu cực.
"Cảm thấy đau buồn, tức giận và buồn bã trước những điều tồi tệ xảy ra trên thế giới là một phản ứng cảm xúc bình thường, đó là dấu hiệu cho thấy bạn là người có sự đồng cảm sâu sắc," Didwania nói.
Kiểm soát việc tiếp nhận tin tức
Tuy nhiên, theo Nhà tâm lý tư vấn Jairam, cập nhật thông tin không có nghĩa là liên tục đọc tin tức suốt ngày đêm. Có quá nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông. Nếu không tự kiềm chế bản thân, bạn sẽ tiếp tục đọc và đọc tin tức cho đến khi cảm thấy quá stress.
Chọn lọc nguồn tin
Didwania nhấn mạnh rằng ngày nay có nhiều thông tin sai lệch và giật gân nên điều đặc biệt quan trọng là phải chọn lọc nguồn tin và các nền tảng truyền thông chính thống, đáng tin cậy.
Còn chuyên gia Jairam lưu ý tầm quan trọng của việc thiết lập các ranh giới lành mạnh và sẵn sàng từ chối những nguồn chia sẻ bừa bãi các hình ảnh và video đau buồn một cách không cần thiết.
Đọc các loại tin khác nhau về một vấn đề
Ngay cả trong những thời điểm tồi tệ cũng vẫn có những khoảnh khắc hy vọng. Chẳng hạn trong các cuộc xung đột, các tổ chức quốc tế và các nước nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình; hỗ trợ, chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột.
“Những khoảnh khắc này có thể không giải quyết được cốt lõi của vấn đề, nhưng nó nhắc nhở chúng ta về những hành động tốt của mọi người và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về những điều tốt đẹp,” Jairam nói.
Hành động trong khả năng
Mặc dù một số sự kiện xảy ra cách xa chúng ta về mặt địa lý nhưng chúng có thể liên quan đến những nguyên nhân phổ quát có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng.
“Nếu muốn đóng góp, bạn có thể hành động trong khả năng của mình, chẳng hạn, bạn có thể làm tình nguyện viên nâng cao nhận thức về các vấn đề như chống lạm dụng tình dục, chống bạo lực gia đình, phản đối chiến tranh, giúp đỡ người nghèo,” Jairam nói.
Chia sẻ với những người xung quanh
Nếu bạn thấy mình bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một tin tức không tốt, chắc chắn nhiều người khác cũng cảm thấy như vậy. Hãy nói chuyện và chia sẻ với những người có cùng quan điểm về vấn đề đó.
Trong trường hợp cảm xúc của bạn quá nặng nề, hãy nói chuyện với chuyên gia, người sẽ giúp bạn xử lý và quản lý những ảnh hưởng của chấn thương gián tiếp để bạn cân bằng lại cảm xúc và có một tinh thần khỏe mạnh./.