Tin tặc Nga đã đột nhập mạng máy tính của Nhà Trắng?

Các tin tặc bị nghi ngờ làm việc cho chính quyền Nga đã đột nhập vào mạng máy tính không bảo mật của Nhà Trắng trong mấy tuần gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Các tin tặc (hacker) bị nghi ngờ làm việc cho chính quyền Nga đã đột nhập vào mạng máy tính không bảo mật của Nhà Trắng trong mấy tuần gần đây.

Thông tin trên được tờ Washington Post đưa ra, cho biết các vụ tấn công đã gây gián đoạn tạm thời một số dịch vụ, xảy ra khi các đội an ninh mạng của Mỹ tiến hành sửa lỗi và ngăn chặn hoạt động tấn công.

Một số giới chức Nhà Trắng giấu tên nói với tờ báo rằng những kẻ xâm nhập đã không gây hư hại tới cho hệ thống. Ngoài ra không có dấu hiệu nào cho thấy mạng máy tính mật đã bị xâm nhập.

Theo Washington Post, Cục điều tra liên bang Mỹ, Mật vụ Mỹ và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang tham gia điều tra để xác định những kẻ gây ra vụ tấn công. Hiện chưa rõ có dữ liệu nào bị đánh cắp từ vụ tấn công hay không.

Một quan chức Nhà Trắng cũng cho hãng tin AP biết rằng “các hoạt động gây quan ngại” đã được phát hiện. Văn phòng Tổng thống Mỹ đã được thông báo và cập nhật tin tức hàng ngày về hoạt động tấn công. Ông cũng nói rằng vụ tấn công đã được xử lý ngay lập tức và dù có khiến một số nhân viên Nhà Trắng bị tạm mất kết nối, nó đã không gây ra ảnh hưởng lớn.

Theo Washington Post , giới chức Nhà Trắng phát hiện vụ tấn công vào đầu tháng này, sau khi được một đồng minh báo tin. Một số nhân viên trong Nhà Trắng đã lập tức được yêu cầu đổi mật mã. Hoạt động truy cập mạng Intranet và kết nối VPN đã bị ngắt trong một số thời điểm.

Tin tức về vụ tấn công được công bố chỉ vài giờ sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng một công ty an ninh Mỹ đã phát hiện nhiều mã độc nằm trong mạng máy tính nội bộ của một công ty nắm giữ nhiều bí mật quân sự Mỹ.

Các nhà điều tra thấy rằng mã độc được lập trình trên các máy tính sử dụng tiếng Nga và đã được tạo ra theo khung thời gian khớp với giờ hành chính ở Nga.

Trong bài viết của WSJ, một quan chức Mỹ nói rằng rất khó để xác định các vụ tấn công có được sự ủng hộ của chính quyền Nga hay không. Không loại trừ khả năng đây chỉ là hoạt động của một nhóm tội phạm mạng.

Đầu tháng này, một công ty an ninh mạng khác cũng nói rằng các hacker Nga đã định khai thác một lỗi trong hệ điều hành Windows của hãng Microsoft để do thám Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính quyền Ukraine và các mục tiêu nhạy cảm khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục