Tin tặc "hỏi thăm" các chính khách, thành viên một số đảng Đức

Các chính khách, thành viên một số chính đảng của Đức đã nhận được các thư điện tử được gửi từ NATO, nhưng lại đăng tải link khi đăng nhập vào máy tính sẽ bị cài phần mềm gián điệp.
Tin tặc "hỏi thăm" các chính khách, thành viên một số đảng Đức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngày 21/9, truyền thông Đức đưa tin các chính đảng của nước này đã bị tin tặc nước ngoài tấn công.

Theo báo Sueddeutsche Zeitung (Nam Đức, SZ), đài truyền hình khu vực NDR và WDR của Đức, các chính khách và thành viên một số chính đảng của nước này đã nhận được các thư điện tử dường như được gửi từ trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng trong đó lại đăng tải một đường dẫn (link) mà khi đăng nhập vào địa chỉ này thì máy tính của người nhận thư sẽ bị cài phần mềm gián điệp.

Dẫn nguồn tin từ các chuyên gia an ninh giấu tên, truyền thông Đức đưa tin các vụ tấn công mạng này xảy ra vào ngày 15 và 24/8 vừa qua, đồng thời cho biết các vụ tấn công do tin tặc nước ngoài tiến hành và có thông tin cho rằng đó là các tin tặc Nga.

Cục An ninh thông tin Liên bang Đức (BSI) đã gửi một văn bản cảnh báo đến các nhà lập pháp nước này về các vụ tấn công mạng nói trên. BSI quan ngại rằng tin tặc có thể lấy cắp và phát tán thông tin mật của các đảng nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận trước thềm cuộc tổng tuyển cử của Đức vào năm tới.

Trước thực trạng mỗi ngày trên cả nước Đức ghi nhận tới gần 6.500 vụ tấn công mạng, Bộ Quốc phòng nước này có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho quân đội để đối phó với những đe dọa về kỹ thuật số.

Cụ thể, xây dựng một binh chủng quân đội mạng với nhân lực gồm 13.500 binh sỹ và lực lượng dân sự. Đây sẽ là lực lượng có quy mô nhỏ nhất trong tổng số 6 binh chủng hiện nay của quân đội liên bang, gồm cả lục quân, hải quân, không quân, hậu cần và quân y; trong đó hải quân là lực lượng mỏng thứ hai với tổng biên chế khoảng 16.000 lính.

Binh chủng bảo vệ mạng sẽ không có quân phục riêng, song có vị thế và có một tham mưu trưởng đứng đầu tương tự như các binh chủng khác.

Mạng Internet đã trở thành một "chiến trường số" và cho tới nay, nhiều nước đã có phản ứng về quân sự trước những mối đe dọa như vậy. Không chỉ Đức, Mỹ cũng đã xây dựng các lực lượng đặc nhiệm cho tình huống xảy ra chiến tranh mạng từ nhiều năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục