Tin nóng 12/1: Lãnh đạo Việt Nam-Trung Quốc thảo luận vấn đề Biển Đông

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình ở Biển Đông.

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc

Chiều 12/1, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Ngay sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới. 

Về vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư cùng cho rằng đây là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung; là vấn đề hết sức phức tạp và hệ trọng, tác động chi phối rất lớn đến sự tin cậy chính trị, tình cảm nhân dân và cục diện quan hệ hai nước, cũng như cục diện và tình hình khu vực, thế giới. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất “Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).” 

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. 

Hai bên nhất trí cần thúc đẩy tiến độ hợp tác trên biển để phát ra tín hiệu tích cực có lợi cho quan hệ hai nước; làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận. 

Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng COC; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

[Tổng Bí thư hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

2. Treo thưởng 6 tỷ đồng cho các ý tưởng tổ chức giao thông, chống ùn tắc ở Hà Nội

Ngày 12/1, Sở Giao thông Hà Nội tổ chức lễ công bố cuộc thi ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Giải thưởng gồm, giải nhất trị giá 200.000 USD; giải nhì 100.000 USD. Ngoài ra mỗi phương án tham dự thi đủ hồ sơ và chất lượng theo quy định của cuộc thi được hỗ trợ 25.000 USD.

Hình thức thi tuyển hạn chế, thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín.

Đối tượng thi là các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế có đủ năng lực theo quy định của pháp luật Việt Nam và được Ban tổ chức mời tham gia thi tuyển (sau khi sơ tuyển sẽ lựa chọn 5 đơn vị tham gia làm bài thi).

Theo quy định của cuộc thi, nội dung các ý tưởng phải giải quyết được 12 vấn đề liên quan đến tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội; trong đó có tổ chức giao thông liên vùng, ứng dụng giao thông thông minh và các giải pháp quản lý phương tiện cá nhân nhằm làm giảm ùn tắc giao thông.

[Hà Nội: Hơn 6 tỷ đồng tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông]

Phân luồng chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

3. Sập giàn giáo tại dự án Alphanam Luxury Đà Nẵng khiến 6 người bị thương

Tối 11/1, một vụ sập giàn giáo xảy ra tại công trình tổ hợp khách sạn và chung cư cao cấp ven biển Đà Nẵng khiến 6 người bị thương. sập giàn giáo .

Báo Giao thông đưa tin vào khoảng 21 giờ tối 11/1, một tốp công nhân vừa hoàn tất đổ bê tông sàn thuộc công trình thì giàn giáo chống đỡ bất ngờ nghiêng rồi đổ sập khiến công nhân rơi xuống phía dưới.

Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường tham gia cứu nạn, đưa các nạn nhân vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Tại đây, một góc giàn giáo rộng khoảng 15m2 đổ sập, lực lượng chức năng phải dùng đèn pha công suất lớn rọi vào các góc khuất để đảm bảo không còn ai mắc kẹt trong đống đổ nát.

Chiều 12/1, đại diện đơn vị tham gia dự án Alphanam Luxury Đà Nẵng cho biết đã tạm dừng thi công công trình từ sáng 12/1 để khắc phục hậu quả, phục vụ quá trình điều tra vụ việc. “Việc tạm dừng là tự nguyện của nhà thầu”, vị này nói.

Cùng ngày, Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng có báo cáo chính thức về vụ sập giàn giáo.

  

Liên quan đến các nạn nhân trong vụ sập giàn giáo, phía chủ đầu tư cũng xác nhận có 1 người bị gãy chân vẫn đang được theo dõi và 5 người còn lại bị xây sát nhẹ đã được xuất viện.

Hiện trường vụ sập giàn giáo. (Nguồn: Báo Giao thông)

4. VFF phải nộp phạt 1000 USD vì thẻ đỏ của Nguyên Mạnh tại AFF Cup 2016

Thủ thành Trần Nguyên Mạnh của đội tuyển Việt Nam đã phải nhận án phạt cấm thi đấu hai trận và 1000 USD từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) do tấm thẻ đỏ tại AFF Cup 2016.

Tình huống của Nguyên Mạnh diễn ra ở phút 75 trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 giữa Việt Nam và Indonesia tại Mỹ Đình hôm 7/12 năm ngoái. Nguyên Mạnh đạp vào lưng Bayu Pradana và trọng tài phát hiện. Tấm thẻ đỏ ấy đã khiến tuyển Việt Nam rơi vào khó khăn bởi khi đó, đội tuyển đã hết quyền thay người.

Trung vệ Quế Ngọc Hải đã phải về bắt gôn còn đội tuyển Việt Nam phải thi đấu với 10 người. Đó được xem là nguyên nhân chính dẫn tới việc đội tuyển dừng bước ở bán kết.

Án phạt của Nguyên Mạnh là án phạt thứ hai của bóng đá Việt Nam ở AFF Cup 2016. Trước đó, VFF đã phải nộp 38.000 USD tiền phạt khi cổ động viên Việt Nam ném đá vỡ cửa kính xe bus chở đội Indonesia sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2016.

[Nguyên Mạnh chơi xấu, VFF phải nộp phạt 1000 USD]

Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ khiến Ngọc Hải phải đóng vai thủ môn bất đắc dĩ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

5. Năm công nhân tử vong do ngạt khí khi xuống hầm mắm

Khoảng 11 giờ ngày 12/1, tại Công ty Foodtech JSC chi nhánh Phú Yên - một doanh nghiệp tư nhân chuyên chế biến thủy sản (ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), 5 công nhân đã tử vong nghi do ngạt khí.

Theo các nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, có một công nhân xuống hầm ủ mắm để lấy mẫu xét nghiệm. 

Khoảng 10 phút sau không thấy công nhân này lên, một công nhân khác đã cắt cầu dao điện xuống kiểm tra và cũng gặp nạn. 

Sau đó lần lượt 3 công nhân khác xuống cứu người cũng gặp nạn. Cả 5 công nhân đều tử vong.

[5 công nhân tử vong khi xuống hầm ủ mắm lấy mẫu xét nghiệm]

Hiện trường hầm ủ mắm nơi 5 công nhân tử vong. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục