Tin mật ở Nhật được hủy bỏ tăng mạnh trong 5 năm

Trong vòng 5 năm qua, Nhật Bản đã xử lý khoảng 34.300 tài liệu mật về quốc phòng vốn được quy định theo Luật phòng vệ của Nhật Bản.
Báo cáo của chính phủ Nhật Bản ngày 8/10 cho biết trong vòng 5 năm qua, Nhật Bản đã xử lý khoảng 34.300 tài liệu mật về quốc phòng vốn được quy định theo Luật phòng vệ của Nhật Bản.

Trước thực tế này, chính phủ Nhật Bản đang xem xét nâng cấp bảo mật tài liệu từ mức “bí mật quốc phòng” lên mức “tuyệt mật” theo dự thảo luật bảo vệ thông tin tuyệt mật sẽ được đệ trình quốc hội trong kỳ họp mùa Thu này.

Dự thảo luật trên được cho nhằm đáp ứng những lời chỉ trích và yêu cầu của các tổ chức, đoàn thể địa phương về việc chính phủ đã không có trách nhiệm trong việc xử lý hủy bỏ tài liệu mật và cần phải cho người dân được phép kiểm chứng hoạt động này.

Theo quy định hiện hành, bí mật quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản là các kế hoạch, hoạt động của Lực lượng phòng vệ, hoạt động nghiên cứu, triển khai trang thiết bị, sóng điện tử, sóng vô tuyến điện…

Nếu các hạng mục này được nâng cấp bảo mật lên mức “tuyệt mật,” các quan chức công vụ để rò rỉ thông tin có thể bị xử lý hình sự với mức tối đa 10 năm tù giam.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong 5 năm kể từ năm 2007 đến 2011, bộ này đã quy định hơn 55.000 tài liệu vào danh mục bí mật quốc phòng. Thời gian lưu giữ số tài liệu này được áp dụng là từ 1 đến 30 năm.

Trong khi đó, số tài liệu được xử lý sau khi hết hạn trong 5 năm cũng đã tăng mạnh, tương ứng với 2.300 tài liệu (2007), 3.000 tài liệu (2008), 9.800 tài liệu (2009), 16.000 tài liệu (2010) và 8.600 tài liệu (2011)./.

Trường Giang/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục