Cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) và Iran diễn ra tại Geneva về chương trình hạt nhân của Tehran đang mang lại cho cộng đồng quốc tế tia hy vọng về những tiến bộ có thể đạt được.
Mặc dù cuộc họp trong hai ngày 15-16/10 khó có đủ xung lực để “phá băng” những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ qua xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, nhưng việc các bên đều tới bàn đàm phán bằng một tinh thần thiện chí phần nào cũng xoa dịu những lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông.
Trong ngày đầu tiên, cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton diễn ra trong bầu không khí khá "tích cực."
Ngoại trưởng Mohammad-Javad Zarif cùng các thành viên trong đoàn đàm phán Iran đã có bài thuyết trình bằng tiếng Anh kéo dài hàng giờ.
Với tiêu đề "Khép lại cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra chân trời mới," những đề nghị của Iran đã được thảo luận chi tiết, song vẫn chưa được công bố.
Ngoại trưởng Zarif cho biết đề xuất của Iran nêu ra ba bước có thể giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân "trong vòng một năm," trong đó bước đầu tiên có thể đạt được "trong vòng một hoặc hai tháng, thậm chí là sớm hơn."
Ông Michael Mann, người phát ngôn của bà Catherine Ashton nhận định đề xuất của Iran "rất hữu ích," nhưng vẫn còn "vô số việc phải làm" và "phía trước là một chặng đường dài."
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định: "Đề xuất mà chúng tôi đưa ra có khả năng tạo ra một sự đột phá. Đó là một đề xuất rất toàn diện."
Đây là lần đầu tiên chương trình hạt nhân Iran được thảo luận một cách cụ thể với đại diện chính quyền mới của nước này.
Bên lề cuộc đàm phán cũng đã diễn ra cuộc gặp song phương giữa bà Catherin Ashton với Ngoại trưởng Zarif và cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Các cuộc gặp đều diễn ra trong bầu không khí xây dựng và được đánh giá tích cực.
Ý tưởng nối lại đàm phán lần này được chính Tehran chủ động đưa ra sau 6 tháng đình trệ do Iran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu uranium nhạy cảm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Sau khi lên nắm quyền hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cam kết đảm bảo sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại các nước phương Tây cần hủy bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Iran.
Ông Rowhani đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng trước. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nguyên thủ quốc gia hai nước trong vòng hơn 3 thập kỷ qua kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Iran thể hiện sự quan tâm nghiêm túc tới hiệu quả đàm phán khi đưa ra kế hoạch dựa trên các bước đi cụ thể nhằm đảm bảo cho nước này quyền nghiên cứu hạt nhân độc lập vì mục đích hòa bình và cam kết không sử dụng hạt nhân vào mục đích quân sự.
Bên cạnh đó, Tehran cũng dự định có những bước đi nhằm củng cố niềm tin đối với phương Tây, hướng tới việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận hiện đang áp đặt đối với nước này.
Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đang gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ suy yếu đã làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 65%.
Các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng cũng khiến Iran không thể chuyển tiền bán dầu mỏ về nước, dẫn đến việc đồng nội tệ rial bị mất giá tới 80% hồi năm ngoái.
Với tốc độ tăng trưởng âm cùng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế Iran đang trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cuộc đàm phán tại Geneva là “phép thử” bước đầu đối với các cam kết mềm mỏng của tân Tổng thống Iran Rowhani, nhưng cũng không có nghĩa là Tehran chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.
Mặc dù cách tiếp cận của Iran có sự thay đổi, song Tehran vẫn giữ nguyên tắc cứng rắn là không chuyển uranium được làm giàu ở cấp độ thấp ra khỏi nước này.
Tuy vậy, cuộc đàm phán lần này là cơ hội tốt đối với cả Iran và phương Tây vì các bên có thể tận dụng để xây dựng lòng tin, tạo bước đệm cải thiện mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế.
Để có thể đi tới thành công, các nhà đàm phán ở Geneva cần thể hiện quyết tâm và thiện chí thực sự của mỗi bên.
Đối với Tổng thống Rowhni, thỏa thuận tạm thời chưa phải là cái đích hướng tới vì để củng cố quyền lực, ông phải thuyết phục được phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khôi phục kinh tế của Iran.
Mỹ cũng cần giải quyết triệt để chương trình hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo lợi ích và ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.
Vì vậy, đây chính là thời điểm để hai bên đề ra chiến lược dài hạn cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định các cuộc đàm phán có tiến triển hay không./.
Mặc dù cuộc họp trong hai ngày 15-16/10 khó có đủ xung lực để “phá băng” những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ qua xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, nhưng việc các bên đều tới bàn đàm phán bằng một tinh thần thiện chí phần nào cũng xoa dịu những lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông.
Trong ngày đầu tiên, cuộc thảo luận dưới sự chủ trì của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton diễn ra trong bầu không khí khá "tích cực."
Ngoại trưởng Mohammad-Javad Zarif cùng các thành viên trong đoàn đàm phán Iran đã có bài thuyết trình bằng tiếng Anh kéo dài hàng giờ.
Với tiêu đề "Khép lại cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra chân trời mới," những đề nghị của Iran đã được thảo luận chi tiết, song vẫn chưa được công bố.
Ngoại trưởng Zarif cho biết đề xuất của Iran nêu ra ba bước có thể giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân "trong vòng một năm," trong đó bước đầu tiên có thể đạt được "trong vòng một hoặc hai tháng, thậm chí là sớm hơn."
Ông Michael Mann, người phát ngôn của bà Catherine Ashton nhận định đề xuất của Iran "rất hữu ích," nhưng vẫn còn "vô số việc phải làm" và "phía trước là một chặng đường dài."
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định: "Đề xuất mà chúng tôi đưa ra có khả năng tạo ra một sự đột phá. Đó là một đề xuất rất toàn diện."
Đây là lần đầu tiên chương trình hạt nhân Iran được thảo luận một cách cụ thể với đại diện chính quyền mới của nước này.
Bên lề cuộc đàm phán cũng đã diễn ra cuộc gặp song phương giữa bà Catherin Ashton với Ngoại trưởng Zarif và cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Các cuộc gặp đều diễn ra trong bầu không khí xây dựng và được đánh giá tích cực.
Ý tưởng nối lại đàm phán lần này được chính Tehran chủ động đưa ra sau 6 tháng đình trệ do Iran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu uranium nhạy cảm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Sau khi lên nắm quyền hồi tháng Tám vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cam kết đảm bảo sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại các nước phương Tây cần hủy bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Iran.
Ông Rowhani đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng trước. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nguyên thủ quốc gia hai nước trong vòng hơn 3 thập kỷ qua kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Iran thể hiện sự quan tâm nghiêm túc tới hiệu quả đàm phán khi đưa ra kế hoạch dựa trên các bước đi cụ thể nhằm đảm bảo cho nước này quyền nghiên cứu hạt nhân độc lập vì mục đích hòa bình và cam kết không sử dụng hạt nhân vào mục đích quân sự.
Bên cạnh đó, Tehran cũng dự định có những bước đi nhằm củng cố niềm tin đối với phương Tây, hướng tới việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận hiện đang áp đặt đối với nước này.
Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đang gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ suy yếu đã làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 65%.
Các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng cũng khiến Iran không thể chuyển tiền bán dầu mỏ về nước, dẫn đến việc đồng nội tệ rial bị mất giá tới 80% hồi năm ngoái.
Với tốc độ tăng trưởng âm cùng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế Iran đang trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cuộc đàm phán tại Geneva là “phép thử” bước đầu đối với các cam kết mềm mỏng của tân Tổng thống Iran Rowhani, nhưng cũng không có nghĩa là Tehran chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.
Mặc dù cách tiếp cận của Iran có sự thay đổi, song Tehran vẫn giữ nguyên tắc cứng rắn là không chuyển uranium được làm giàu ở cấp độ thấp ra khỏi nước này.
Tuy vậy, cuộc đàm phán lần này là cơ hội tốt đối với cả Iran và phương Tây vì các bên có thể tận dụng để xây dựng lòng tin, tạo bước đệm cải thiện mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế.
Để có thể đi tới thành công, các nhà đàm phán ở Geneva cần thể hiện quyết tâm và thiện chí thực sự của mỗi bên.
Đối với Tổng thống Rowhni, thỏa thuận tạm thời chưa phải là cái đích hướng tới vì để củng cố quyền lực, ông phải thuyết phục được phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khôi phục kinh tế của Iran.
Mỹ cũng cần giải quyết triệt để chương trình hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo lợi ích và ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.
Vì vậy, đây chính là thời điểm để hai bên đề ra chiến lược dài hạn cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định các cuộc đàm phán có tiến triển hay không./.
Tố Uyên (TTXVN)