Tín hiệu tích cực trên thị trường việc làm mang lại hy vọng cho Mỹ

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới là 684.000 đơn, giảm so với mức 781.000 đơn trong tuần trước đó, mang lại hy vọng giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới phục hồi trong năm nay.
Tín hiệu tích cực trên thị trường việc làm mang lại hy vọng cho Mỹ ảnh 1Người lao động sử dụng dịch vụ ngân hàng số bảo hiểm thất nghiệp tại văn phòng phát triển việc làm ở Sacramento, bang California (Mỹ). (Ảnh: AP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dẫn đến những đợt sa thải hàng loạt trên khắp nước Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong tuần trước đã giảm xuống dưới mức 700.000 đơn.

Kết quả này khả quan hơn so với dự báo của các nhà phân tích và được công bố trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mang lại hy vọng giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới phục hồi trong năm nay.

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 25/3 cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 20/3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới là 684.000 đơn, giảm so với mức 781.000 đơn trong tuần trước đó. Trong đó, có 241.745 đơn nộp xin trợ cấp theo chương trình đặc biệt dành cho lao động tự do.

Trong vòng một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan trên khắp nước Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp luôn cao hơn mức đỉnh 665.000 đơn ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái 2007-2009, bỏ xa ngưỡng từ 200.000-250.000 đơn trung bình của một thị trường lao động khỏe mạnh. Số việc làm thấp hơn 9,5 triệu việc so với mức đỉnh hồi tháng 2/2020.

Các nhà kinh tế dự đoán có thể mất ít nhất hai năm để nền kinh tế khôi phục toàn bộ 22,4 triệu việc làm đã biến mất trong tháng Ba và tháng Tư năm ngoái.

[Lao động Mỹ vẫn đứng trước rủi ro dù ông Joe Biden cam kết hỗ trợ]

Cùng ngày, Chính phủ Mỹ xác nhận nền kinh tế đầu tàu thế giới đã đánh mất đà phục hồi đáng kể vào cuối năm ngoái trong bối cảnh làn sóng dịch mới COVID-19 bùng phát và việc chậm có thêm chương trình kích thích tài khóa.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong quý 4/2020, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo năm đạt 4,3%, giảm mạnh so với mức kỷ lục 33,4% được ghi nhận trong quý 3/2020.

Nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong quý 1 năm nay và mức tăng trưởng trong cả năm sẽ đạt trên 7%. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984. Trong năm ngoái, kinh tế Mỹ suy giảm 3,5%, mức tồi tệ nhất trong 74 năm qua.

Tín hiệu tích cực trên thị trường việc làm mang lại hy vọng cho Mỹ ảnh 2Quang cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 22/3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động của đại dịch COVID-19 "có vẻ được củng cố" và cơ quan này sẽ tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng sắc tộc thiểu số và các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ đã "tăng trưởng nhanh hơn dự báo" nhờ các động thái chính sách tiền tệ và tài chính "chưa từng có tiền lệ" mà Quốc hội Mỹ và Fed đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp trụ vững trước đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn suy yếu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở mức 6,2%. Tuyên bố nhấn mạnh Fed vui mừng trước việc kinh tế Mỹ phục hồi, nhưng vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ hàng triệu người Mỹ đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục