Trang mạng bloomberg.com đưa tin bất chấp mọi dự báo bi quan, các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu dường như đã không đạt được tiến triển nào trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi tuần trước để có thể gây trở ngại cho hoạt động của cơ quan lập pháp này.
Đồng thời, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn bình thường đã gửi một thông điệp lạc quan về dự án châu Âu: những cử tri hiểu rõ mục đích của việc này.
Về mặt này, cuộc bầu cử đã cho thấy ưu tiên của người dân châu Âu là Liên minh châu Âu (EU) cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu: các đảng Xanh đã giành chiến thắng vang dội ở một số quốc gia, tăng thêm hơn 1/3 số ghế của nhóm môi trường tại Nghị viện châu Âu.
[Thủ tướng Anh thất vọng trước kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu]
Các cuộc thăm dò dư luận sau bỏ phiếu được công bố tối 26/5 cho thấy các đảng cực hữu ở Đức, Áo, Đan Mạch và Tây Ban Nha đã đạt kết quả tệ hơn so với các cuộc bầu cử quốc gia tại các nước này lần gần đây nhất; tại Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan, các đảng này cũng không giành được kết quả đáng kể nào.
Tại Pháp, nơi đảng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của bà Marine Le Pen đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2014, đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron xem ra đã thất bại sát nút trước đảng Mặt trận Dân tộc của Le Pen - nhưng sự vươn lên mạnh mẽ của đảng Xanh đã khiến những nỗ lực của bà Le Pen tuyên bố giành chiến thắng trở thành vô nghĩa.
Theo dự đoán của EP dựa trên các cuộc thăm dò cử tri sau khi rời phòng bỏ phiếu và kết quả kiểm một phần số phiếu, các đảng hoài nghi châu Âu và theo chủ nghĩa dân tộc có khả năng giành được 173 ghế, so với 154 ghế trong nghị viện hiện nay. Đó là một thắng lợi, nhưng con số này lại thấp hơn so với những dự đoán sơ bộ.
Cho dù là các nhóm dân tộc chủ nghĩa khác nhau, vốn bất đồng về các vấn đề quan trọng như sự độc lập của xứ Catalan hay các lệnh trừng phạt chống nước Nga của Vladimir Putin, đã cố gắng thiết lập một kiểu liên minh rộng lớn, họ xem ra không giành được 25% trong tổng số 751 ghế tại Nghị viện châu Âu - ngưỡng cho phép họ có thể tác động đáng kể đến việc bỏ phiếu thông qua một dự luật tại các ủy ban của EP.
Đối với những nỗ lực của Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini và người bạn của ông là Steve Bannon, cựu chiến lược gia của Donald Trump, nhằm tạo ra một làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, kết quả khả quan của phong trào này chỉ thấy được ở Italy - và ngay cả ở đó, đảng Liên đoàn phương Bắc của Salvini dường như chỉ giành được dưới 30% số phiếu bầu.
Câu chuyện phổ biến về việc lực lượng cánh hữu tiếp quản châu Âu giờ đây phải được nhét vào ngăn kéo: sức mạnh của phe cực hữu chỉ là một vấn đề ở một số quốc gia, và hầu như không thể kiểm soát được tại những nơi đó.
Trong một hành động thái quá, đảng Pháp luật và Công lý - đảng chủ nghĩa dân tộc cầm quyền ở Ba Lan, dường như đã đánh bại một liên minh chống độc tài lớn.
Nếu điều đó được xác nhận, nó sẽ gây căng thẳng cho liên minh, vốn hy vọng sẽ thúc đẩy đà chiến thắng để tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc gia vào mùa Thu.
Nhưng ngay cả khi mọi thứ ổn định, đảng Pháp luật và Công lý sẽ khó giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu đó - và thậm chí một liên minh với đảng Liên đoàn cực hữu cũng không thể có được, dựa trên dữ liệu thăm dò cử tri sau khi rời phòng bỏ phiếu.
Một cuộc lật đổ phe chống chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 11 tới vẫn có khả năng xảy ra nếu liên minh có thể đoàn kết với nhau và lôi kéo một đảng tự do nhỏ hơn vào liên minh.
Tin xấu đối với liên minh các đảng chủ trương ôn hòa ở châu Âu là kết quả của chính họ trong cuộc bầu cử không cho phép họ xây dựng liên minh một cách dễ dàng.
Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, mà đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel là một thành viên, được dự báo là nhóm lớn nhất trong nghị viện châu Âu khóa tới, như những gì đang diễn ra, nhưng chỉ với 178 ghế, giảm so với 217 ghế hiện nay.
Ngay tại nước Đức, đảng của bà Merkel chỉ giành được đa số mờ nhạt, giảm xuống dưới mức 30% số ghế.
Nhóm nghị sỹ lớn thứ hai, nhóm đảng Xã hội và Dân chủ trung tả, đã chịu tổn thất tương tự, mặc dù có một số bất ngờ tích cực (như việc Công đảng giành đa số tại Hà Lan) và thể hiện tốt ở các quốc gia Bắc Âu. Dự báo số ghế của đảng này sẽ giảm xuống còn 147 so với 186 hiện nay.
Điều này khiến liên minh EPP/S&D, hiện đang chiếm ưu thế tại EP, mất đa số. Họ cần xây dựng một liên minh mới, có thể với đảng Tự do thân giới doanh nghiệp, dự kiến sẽ giành được 101 ghế, hoặc với đảng Xanh, dự kiến giành được 70 ghế, hoặc với cả hai đảng này. Cả hai nhóm lớn này - EPP hoặc S&D - đều không thể bị loại trừ nếu một đa số nổi lên.
Đó là một cơ cấu không chắc chắn. Các đảng ôn hòa nhỏ hơn sẽ không tán thành việc bổ nhiệm Manfred Weber, ứng cử viên của EPP, làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, và sẽ có các cuộc đàm phán gay go do vị trí chức vụ trong các cơ quan của EU biến thành lá bài mặc cả.
Nhóm đảng Xanh không phải là một đối tác liên minh dễ dàng đối với các đảng mới được trao quyền, họ sẽ thúc đẩy hành động vì các vấn đề biến đổi khí hậu quyết liệt hơn so với EPP hay nhóm Tự do. Về phần mình, các đảng Tự do sẽ thúc đẩy mạnh mẽ để EPP tống khứ Fidesz, đảng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tự do.
Nếu EPP bị buộc phải làm điều đó, đảng này sẽ bị giảm sức ảnh hưởng - và củng cố phe cực hữu, mà Orban sẽ bị lôi kéo tham gia.
Nói cách khác, cơ cấu liên minh sẽ là một mớ hỗn độn - nhưng mặt khác, các liên minh "tạp nham" này lại là thương hiệu của châu Âu.
Ở một số quốc gia chủ chốt, quá trình này hiện mất nhiều tháng, vậy tại sao điều đó phải khác ở Nghị viện châu Âu? Các đảng ôn hòa cần phải làm quen với thực tế mới, trong đó sự ủng hộ của họ được phân chia cho con số lực lượng chính trị lớn hơn với lập trường quan điểm được xác định rõ ràng hơn so với các đảng bảo trợ truyền thống của phe trung tả và trung hữu.
Và sau đó vấn đề hành động vì môi trường. Tại tất cả các nước thành viên EU, trừ 3 quốc gia, tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn so với cuộc bầu cử cơ quan lập pháp châu Âu năm 2014, đã chấm dứt gian đoạn suy giảm kéo dài số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu.
Và ở một số quốc gia - Đức là một ví dụ điển hình - phần lớn số phiếu bổ sung đã bỏ cho đảng Xanh.
Tại Đức, đảng Xanh đã giành được đa số phiếu lớn trong giới cử tri dưới 45 tuổi, và các cử tri của tất cả các đảng khác đã chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Xanh.
Đó là bằng chứng rõ cho thấy người Đức - cũng như cử tri ở một số quốc gia quan trọng khác, bao gồm Pháp - coi vấn đề môi trường là một trọng tâm quan trọng của EU.
Cho dù các đảng khác đã đi trước đảng Xanh chăng nữa, đây rõ ràng là một thông điệp mà các nhà lãnh đạo chính trị không thể bỏ qua./.