Một nghiên cứu công bố ngày 13/3 cho thấy các tin tức không đúng sự thật lưu truyền trong phong trào biểu tình "Áo vàng" ở Pháp đã nhận được hơn 100 triệu lượt xem và 4 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.
Thực tế này gióng lên một hồi chuông cảnh báo người dùng Internet về tính xác thực của thông tin mà họ nhận được hàng ngày.
Nghiên cứu trên do trang chiến dịch chống biến đổi khí hậu và nhân quyền Avaaz, có trụ sở ở Mỹ, tiến hành.
Họ đã phát hiện 100 mẩu tin rởm được lan truyền nhiều nhất trên các tài khoản Facebook liên quan đến phong trào "Áo vàng" trong 4 tháng vừa qua.
Trang mạng trên cho biết các câu chuyện này đã được các cơ quan truyền thông truyền thống xác định là không đúng sự thật.
Các thông tin được lan truyền gồm những hình ảnh người biểu tình "Áo vàng" đầy máu đang bị cảnh sát chống bạo động Pháp đánh.
[Hạ viện Nga thông qua dự luật cấm phổ biến thông tin giả mạo]
Dịch vụ kiểm chứng sự thật (Fact Check) của hãng thông tấn Pháp AFP đã chứng minh rằng bức ảnh trên được chụp tại Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng xứ Catalonia năm ngoái. Bức ảnh này có 3,5 triệu lượt xem.
Một đoạn video cũng đã được lan truyền nhanh như virus vào tháng 11/2018 với 5,7 triệu lượt xem (và hiện nó vẫn đang online), quay cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nhảy múa trong điệu nhạc phương Đông "trong khi nước Pháp đang đau khổ."
Trên thực tế, đoạn clip này đã được quay một tháng trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp ở Armenia.
Một thông tin bị bóp méo khác mà trang mạng Avaaz dẫn ra là lời kêu gọi chia sẻ "hàng loạt" bức ảnh của một cuộc biểu tình "Áo vàng" trên Đại lộ Champs Elysee ở thủ đô Paris của Pháp. Bức ảnh hiện đã bị Facebook chặn.
Tháng trước, Avaaz đã khởi xướng một kiến nghị "Sửa dữ liệu," chủ yếu nhằm vào hai mạng xã hội Facebook và Twitter, yêu cầu họ "những sửa hiệu quả" các tin tức không đúng sự thật được đăng tải trên các mạng của mình, và thông tin tới những người đã truy cập.
Về phần mình, hãng thông tấn AFP cũng đã ký một thỏa thuận kiểm chứng sự thật với Facebook để xác minh và vạch trần tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng, theo đó các bài viết phải được đăng phát trên trang blog Fact Check của AFP trước khi được đăng lên Facebook cho người dùng./.