Tin giả tràn lan, cần vai trò định hướng của dòng thông tin chủ lưu

Trong bối cảnh xuất hiện hàng nghìn tin giả, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí chính thống - dòng thông tin chủ lưu trong việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ.
Tài khoản giả mạo có tên là Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với hơn 60 triệu người tham gia, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích hữu dụng, những thông tin tích cực, hằng ngày, người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hàng nghìn thông tin giả, hành động xấu được phát tán trên không gian mạng, làm ảnh hưởng đến việc giáo dục và nhận thức của thanh, thiếu niên, thậm chí cả trẻ em. Do đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí chính thống - dòng thông tin chủ lưu trong việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ.

Tránh bị lôi kéo, cả tin khi sử dụng mạng xã hội

Tháng 3/2019, trên trang facebook có tên “Đầm bầu thời trang Mami” đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người.

Qua xác minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định những hình ảnh của trang facebook này lấy lại từ nhiều báo điện tử về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11/2018.

Thông tin trên được hàng trăm tài khoản facebook chia sẻ và bình luận. Ngày 8/3, chủ sở hữu trang này đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) triệu tập đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật.

Hay ngày 14/3/2019, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với chủ nhân của nick zalo tung thông tin giả về tập đoàn nước ngoài đầu tư đặc khu kinh tế tại Quảng Ngãi.

Chủ nhân của số điện thoại zalo đã đăng nội dung về việc "có tập đoàn nước ngoài (Dubai) với tài sản 120 tỷ USD đang nghiên cứu biến bờ biển Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi thành khu siêu nghỉ dưỡng ven biển... Dự án sẽ thúc đẩy khu vực này thành đặc khu kinh tế trọng điểm, du lịch và cảng neo đậu tàu thuyền lớn nhất Việt Nam, thu hút giới đầu cơ săn đất tập trung đến."

Đây là thông tin bịa đặt, có thể gây sốt giá đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự tại địa phương.

Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã triệu tập và xử lý nữ nhân viên này theo quy định của pháp luật.

Cũng trong tháng 3/2019, trên facebook xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam."

Tài khoản này có đầy đủ hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, tài khoản mạo danh này đã đăng hàng loạt trạng thái về những vụ việc gần đây được công chúng quan tâm... Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc kẻ xấu mạo danh các cơ quan, tổ chức hoặc lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội.

Những ví dụ trên chỉ là ít ỏi trong số hàng trăm nội dung đưa tin giả được lan truyền trong thời gian qua.

[Luật An ninh mạng đã có hiệu lực: Tin giả... trách nhiệm thật]

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trực tiếp ảnh hưởng tới "môi trường sinh thái" của truyền thông đại chúng khiến cho "bữa tiệc" thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ.

Đặc biệt, báo chí đang phải đối mặt với sự tác động to lớn của truyền thông xã hội, đặt ra không ít thách thức cho nhà báo trước vấn nạn tin giả...

Vấn nạn này đang hoành hành khắp nơi, tác động đến tâm lý chung của công chúng, khiến các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin.

Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và môi trường thuận lợi để chúng lan truyền chính là mạng xã hội... Do đó, người dùng mạng xã hội cần phải có kỹ năng, trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần "thượng tôn pháp luật," phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh mắc bẫy các đối tượng xấu.

Sự phát triển nhanh chóng, rộng lớn của Internet khiến tin tức trên các trang mạng xã hội ngập tràn, thậm chí có phần lấn át các phương tiện báo chí. Nhiều người cho rằng đọc tin tức trên mạng xã hội có thể đi sâu vào "ngõ," "ngách" từng vấn đề, nên chuyển sang đọc thông tin trên mạng xã hội, kéo theo đó là sự thiếu thận trọng, cả tin trước những thông tin giả.

Không những vậy, nhiều người đọc còn bị "lôi kéo" vào việc phát tán các thông tin mang tính giật gân, câu khách, dù chưa kiểm chứng đó là thông tin thật hay giả.

(Nguồn: Small Business Trends)

Cũng có không ít trường hợp, thông tin trên mạng xã hội hoặc một số tờ báo chạy theo hiệu ứng câu khách, đưa tin thất thiệt, thổi phồng một vấn đề nào đó hoặc cắt gọt câu nói của đối tượng được phỏng vấn, gây ra bức xúc trong dư luận.

Có thể nói, một trong những hậu quả mà tin giả gây ra là gây "nhiễu" thông tin, làm giảm niềm tin của độc giả đối với báo chí...

Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra lối đi đúng đắn

Với "dòng chảy" thông tin mạnh mẽ như hiện nay, báo chí phải giải quyết hài hòa các nhiệm vụ: thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; đưa thông tin nhanh nhạy, chính xác, lột tả được bản chất vấn đề, đáp ứng được nhu cầu thông tin nhanh của độc giả để có thể "cạnh tranh" với các thông tin giả trên mạng xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng các cơ quan báo chí phải đổi mới, sáng tạo và sử dụng nền tảng công nghệ mới, mới chuyển tải được thông tin chính xác, tin cậy, tính định hướng cao đến công chúng. Đây là đòi hỏi rất nóng bỏng với các cơ quan báo chí, từng nhà báo hôm nay.

Không thể làm báo với phương thức truyền thống. Nếu các nhà báo chỉ làm phương thức truyền thống, chắc chắn bị mạng xã hội vượt qua. Báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin nhưng sẽ vượt trội mạng xã hội bằng độ tin cậy, tính thuyết phục của báo chí. Tính thuyết phục của báo chí chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, cuộc chiến chống tin giả sẽ ngày càng cam go, khốc liệt bởi hằng ngày, hằng giờ, tin giả giống như một bệnh dịch vẫn tìm mọi con đường, mọi cách để len lỏi, reo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Do đó, trong "cuộc đua" về thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, báo chí đang giữ vai trò lợi thế.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng vào tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vai trò tiên phong của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, nhất là các "binh chủng" báo chí của Đảng, Nhà nước như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân và nhiều tờ báo khác đóng vai trò thông tin cho nhân dân.

Vấn đề nêu cao đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, gắn với trách nhiệm trở thành vấn đề sống còn của báo chí. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang dần chiếm lĩnh, áp lực dồn lên mỗi tòa soạn là phải nhanh nhạy, kịp thời thích ứng... Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tìm ra cho mình một lối đi đúng đắn nhất, nhanh nhất để báo chí cùng đồng hành, tạo nên những nguồn thông tin có giá trị với độc giả.

Trong bài viết mới đây có chủ đề "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội" ở Việt Nam, ông Võ Văn Thường, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Vì vậy, phải khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh Luật cũng như các văn bản dưới Luật để hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý cho hoạt động báo chí.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng cần xác định rõ tiêu chí đối với từng loại hình thông tin điện tử, nhất là báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có quy định để điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo chí.

Cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí; thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí.

Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục