Ngày 6/11, mạng trực tuyến Avaaz công bố báo cáo cho thấy người dùng Facebook tại Mỹ đang bị bủa vây bởi vô số thông tin chính trị sai lệch trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống quốc gia này còn một năm nữa mới diễn ra.
Avaaz tiến hành phân tích 100 bài đăng tin giả mạo về chính trị Mỹ được lan truyền trên Facebook trong khoảng 10 tháng tính đến ngày 31/10 và phát hiện ra những thông tin giả mạo có hơi hướng chính trị này nhận được hơn 158 triệu lượt xem. Theo Avaaz, kết quả này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi Avaaz mới chỉ phân tích những bài đăng đã được kiểm chứng và phát hiện bởi những tổ chức kiểm chứng có uy tín.
Qua đó, Avaaz kêu gọi tiếp tục phân tích về hoạt động lan truyền thông tin giả mạo trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và WhatsApp để có cái nhìn toàn cảnh về tình trạng lan truyền thông tin sai sự thực trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác cần áp dụng quy trình trong đó các bên kiểm chứng phải đảm bảo người dùng đã tiếp xúc với những thông tin sai lệch được lưu ý và cung cấp thông tin đính chính.
[Facebook công bố giải pháp chống tin giả trước bầu cử ở Mỹ năm 2020]
Avaaz cho rằng kết quả phân tích cho thấy các biện pháp Facebook áp dụng thời gian qua hầu hết đều không giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng lan truyền thông tin sai sự thực. Vì vậy tổ chức này lo ngại nếu không có hành động tức thời và kiên quyết, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn tin giả mạo. Giám đốc chiến dịch Avaaz Fadi Quran cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đứng trước nguy cơ và giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn mối đe dọa này là lưu ý với người dùng rằng họ có thể sẽ gặp phải những thông tin lừa đảo và phối hợp với các bên kiểm chứng để đính chính thông tin.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua Facebook chịu nhiều áp lực chứng minh các biện pháp phát hiện thông tin giả mạo, can thiệp bầu cử cũng như các biện pháp giám sát quảng cáo chính trị. Nhiều chỉ trích cho rằng Facebook đã bị lợi dụng để gieo rắc sự chia rẽ trong cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Facebook đã đầu tư lớn cho các giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng nền tảng này để can thiệp bầu cử hoặc lan truyền thông tin giả mạo. Mạng xã hội này khẳng định đã huy động 40 đội làm việc chỉ tập trung bảo vệ các cuộc bầu cử để giảm thiểu thông tin sai lệch, nội dung có hại cũng như gỡ bỏ những thông tin không chính xác hoặc các nội dung vi phạm quy định cộng đồng./.