Tín dụng xanh: Không cho vay ồ ạt, tránh vết xe đổ từ 'bài học BOT'

Tín dụng xanh: Ngân hàng cần thận trọng, không nên cho vay ồ ạt

Mặc dù được ưu tiên cho vay vào lĩnh vực năng lượng sạch nhưng chuyên gia vẫn cho rằng các ngân hàng cần cẩn trọng, không nên cho vay ồ ạt để tránh vấp phải vết xe đổ các dự án BOT.
Tín dụng xanh: Ngân hàng cần thận trọng, không nên cho vay ồ ạt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán ngày càng bị siết chặt, bên cạnh việc ưu tiên cho vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh việc rót vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng Mặt Trời, các dự án thân thiện với môi trường.

Những cái tên được gắn nhiều với tín dụng xanh có thể kể đến như VietinBank, VietinBank, Agribank, HDBank, TPBank, Sacombank, OCB, SHB, Nam A Bank. 

Ưu tiên nguồn vốn vào dự án sạch

Tín dụng xanh là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng những năm vừa qua. Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị số 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Đến tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành quyết định số 1604 về việc phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. 

Theo đó, nhà chức trách đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

[Giải quyết điểm nghẽn cho phát triển năng lượng tái tạo]

Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Vì vậy, ngay từ năm 2015, VietinBank đã xúc tiến các hoạt động tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi toàn cầu để tài trợ cho các lĩnh vực xanh. Nổi bật là việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VietinBank với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Hai bên đã xác định sẽ ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm năng lượng.

Riêng đối với việc triển khai tín dụng xanh, ngân hàng cũng đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan với hơn 600.000 hợp đồng tài trợ, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt xấp xỷ 17.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 12% tổng dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp).

Trong đó, các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm chiếm 98% tổng dư nợ.  

Lãnh đạo MB cũng cho biết hiện ngân hàng đang cung cấp một nguồn tài chính cho 34 dự án điện Mặt Trời và điện gió với tổng quy mô vào khoảng 70.000 tỷ đồng, giúp các chủ đầu tư tạo ra khoảng 3.600 MW điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh việc thu xếp các nguồn vốn trong nước, MB đã thực hiện thu xếp vốn nước ngoài cho 2 dự án điện Mặt Trời, 5 dự án điện gió theo hình thức bảo lãnh thanh toán cho khoản vay ECA của dự án. Với tiềm lực tài chính của mình, MB định hướng sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thu xếp vốn thêm cho 1.000 MW điện gió và 1.000 MW Mặt Trời trong cuối năm 2020 và 2021.

Không chỉ VietinBank, MB, gần đây nhiều ngân hàng cũng liên tục triển khai chương trình ưu đãi cho vay với doanh nghiệp để triển khai các dự án ‘xanh’. Các cá nhân cũng được vay ưu đãi để lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank  cho biết ngân hàng dành đến 8.500 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 6%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu, có nhu cầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực "xanh" hoặc có quy trình hoạt động không gây ảnh hưởng, có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường... cùng một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên khác.

Đại diện Sacombank cũng khẳng định luôn sẵn sàng tạo điều kiện vốn cho khách hàng để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của kinh tế theo hướng bền vững và ổn định. Trên thực tế, nhiều khách hàng đã tiếp cận được nguồn vốn này.

Tín dụng xanh: Ngân hàng cần thận trọng, không nên cho vay ồ ạt ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTVVietnam+)

Mới đây, TPBank đã tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1,6GW của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) trong vòng 2 năm.

Cụ thể, 8.000 tỷ đồng sẽ được dùng cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 MW tại tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; 2.000 tỷ đồng để thực hiện Nhà máy điện mặt trời 330MW tại Bình Định và 1.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án điện Mặt Trời áp mái.

Cần tránh vết xe đổ của BOT

Những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những điều chỉnh để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Lý giải về việc chưa thể đẩy mạnh tín dụng xanh, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết việc đầu tư vốn vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.

Cũng theo vị lãnh đạo này, để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Mặc dù được ưu tiên cho vay vào lĩnh vực năng lượng sạch nhưng chuyên gia vẫn cho rằng các ngân hàng cần cẩn trọng, không nên cho vay ồ ạt vào lĩnh vực này để tránh vấp phải vết xe đổ các dự án BOT giao thông trước đó.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cảnh báo các ngân hàng cần nhớ bài học về tín dụng BOT để cảnh giác cho vay các dự án điện Mặt Trời, bởi thời gian cho vay các dự án này thường dài hạn và khó kiểm soát hết rủi ro.

Ông Trương Hiền Phương - chuyên gia tài chính cũng chia sẻ, yếu tố cần phải xem xét kỹ đó là việc nên sàng lọc các doanh nghiệp và có những tiêu chí để xác định rõ những doanh nghiệp nào thực sự đáp ứng được các yêu cầu.

Chính vì vậy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại Nhà nước cho biết, từ bài học BOT, ngân hàng chỉ cho vay các dự án liên quan đến năng lượng sạch có hồ sơ pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư có vốn đối ứng tối thiểu 30%, nằm trong quy hoạch địa phương, thi công đạt tiến độ.

Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tín dụng trong lĩnh vực này và sẽ có giải pháp nếu xuất hiện những rủi ro lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục