Tín dụng tăng chậm, ngân hàng đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ

Do tín dụng vào một số lĩnh vực tăng chậm nên các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh tập trung vào lĩnh vực bán lẻ nhằm gia tăng lợi nhuận.
Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN).

Hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là rất “màu mỡ” và được các ngân hàng chú trọng phát triển trong năm nay và những năm tới, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng còn khó khăn.

Tại hội nghị các Ngân hàng Tiết kiệm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng cho biết, khu vực ngân hàng đang phải đối mặt những thách thức từ cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường và nhu cầu cung cấp vốn giá rẻ. Do đó, các ngân hàng bán lẻ cần tìm ra những giải pháp để kịp thời ứng phó, bao gồm đổi mới chính sách và mô hình kinh doanh, mở rộng phạm vi hoạt động sang các thị trường tiềm năng, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm nhằm khai thác các cơ hội kinh doanh mới.

Theo ông Thắng, lĩnh vực tài chính vi mô và tiếp cận tài chính toàn diện ngày càng được quan tâm và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giảm nghèo và tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực và trên thế giới.

Tại Việt Nam, với dân số hiện nay đạt 90 triệu người, trong đó 2/3 dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong đó, ước tính chỉ có khoảng 10% người dân đã có tài khoản ngân hàng. Chính vì vậy, bán lẻ là khu vực tiềm năng và đây thực sự là cơ hội cho các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Cách đây vài năm, khi mới xâm nhập thị trường Việt Nam, các ngân hàng quốc tế hàng đầu như Standard Chartered, HSBC, ANZ… “tung chiêu” mở tài khoản cá nhân và doanh nghiệp. Do chưa có mạng lưới sâu rộng, các ngân hàng ngoại hiểu rõ họ khó có thể cạnh tranh với loại hình tiết kiệm định kỳ của NHTM nội với những hình thức gửi tiền tiết kiệm ngày một linh hoạt hơn. Lúc bấy giờ, cạnh tranh trên tài khoản thanh toán vẫn chưa được các ngân hàng nội chú ý.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại Việt Nam không chỉ chú trọng việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng nhằm tiếp cận thị phần bán lẻ, tăng cường tiếp cận khách hàng mà còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng.

Với thế mạnh công nghệ, VietinBank là một ngân hàng cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hiện đại qua hệ thống chi nhánh/phòng giao dịch, ATM, điện thoại di động và Internet. Ngân hàng này đã triển khai dịch vụ thu phí cầu đường không dừng tại cầu Cần Thơ và cầu Phú Mỹ và nhiều tuyến đường khác trên toàn quốc.

Không chỉ vậy, VietinBank còn mở ra nhiều dịch vụ khác như thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ….

Ngân hàng bán lẻ chứng tỏ vai trò của mình trong 3 năm trở lại đây. Với Vietcombank, VietinBank - huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%; dịch vụ chiếm từ 12- 15%; các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%...

Là một trong những ngân hàng mới thành lập nhưng LienVietPostBank sớm đưa ra được hướng đi cho riêng mình là tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, trong đó chủ yếu là cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhấn mạnh, một ngân hàng bán lẻ năng động, hiện đại trong thời điểm hiện nay là phải luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Do vậy, nhiều ngân hàng trong nước đã chú trọng hơn tới việc tung ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn trong thời gian qua.

Với mạng lưới rộng lớn trên 80 điểm giao dịch ngân hàng và quyền khai thác dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện phủ rộng tới cấp xã, phường trên 63 tỉnh, thành của LienVietPostBank, đó chính là lợi thế, là nền tảng vững chắc để ngân hàng tập trung vào lĩnh vực bán lẻ và hỗ trợ cho người dân nghèo trên cả nước.

Cũng theo ông Hưởng, hiện ngân hàng này đang tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vì theo thống kê khu vực này hiện có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nên cho vay rất an toàn.

Một chuyên gia ngân hàng bình luận, trong khi các lĩnh vực từng rất “hot” như bất động sản, chứng khoán, thậm chí cả sản xuất hàng hóa giờ vẫn nguội lạnh, nhiều món vay trong các lĩnh vực này đã trở thành nợ khó đòi thì tín dụng cho bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt, với tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Trước đây, các ngân hàng thường chỉ chú trọng đến khách hàng có dự án lớn, hàng nghìn tỷ, song đến thời điểm này những món vay nhỏ, vòng quay vốn nhanh lại là tâm điểm của các NHTM trong cấp tín dụng. Nhiều ngân hàng nhận ra rằng, tập trung phát triển thị trường bán lẻ là cứu cánh của ngân hàng.

Chính vì vậy, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBANK cũng cho rằng, năm nay vẫn là năm khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, do vậy, việc tập trung cho hoạt động bán lẻ sẽ là một lựa chọn được các ngân hàng ưu ái. ABBANK cũng không là một ngoại lệ. Cùng với việc luôn sẵn sàng đảm bảo về nguồn vốn cung ứng cho các doanh nghiệp, tổ chức giúp tháo gỡ khó khăn, ABBANK sẽ đẩy mạnh và tập trung triển khai các chương trình thúc đẩy huy động và tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2014.

Một trong những ngân hàng nước ngoài đang có xu hướng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông Chris De Noose, Giám đốc điều hành Ngân hàng Tiết kiệm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WSBI) khẳng định, có thể nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công của mô hình bán lẻ này, nhưng trước tiên hệ thống chính sách pháp lý phải hoàn thiện, đầy đủ thì sẽ hiện thực hóa được nhanh chóng những sản phẩm mà mô hình ngân hàng bán lẻ tiết kiệm đưa ra.

WSBI sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số nước tiếp cận được nguồn vốn cả trong ngắn và dài hạn để thúc đẩy kinh tế mỗi nước phát triển. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật tốt hơn để tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng bán lẻ tiết kiệm thực hiện, nâng cao tài sản mà ngân hàng đang phát triển, xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục