Sau thời gian ảm đạm, thậm chí có tháng tăng trưởng âm, dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây.
Tình hình tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay do yếu tố mùa vụ cũng như nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường cao hơn.
Tín dụng có xu hướng phục hồi
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 3.683.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm. Trong đó, tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm khoảng 96%.
Ông Lệnh cho biết nhìn chung, tín dụng tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Riêng tháng Sáu vừa qua, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm, tăng 2,03% so với tháng trước đó. Trong khi đó, tháng Năm vừa qua, tín dụng tăng 0,61%; tháng 4/2024 tăng 0,35%; tháng 3/2024 tăng 1,9%; tháng 2/2024 tăng 0,01% và tháng 01/2024 tín dụng giảm 0,93%.
“Trong nửa đầu năm nay, tín dụng tăng 4% so với cuối năm và tăng 11,06% so với cùng kỳ. Đây được xem là mức tăng trưởng phù hợp nếu so sánh với cùng kỳ này năm trước, khi tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,75%,” ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm đã góp phần tích cực vào môi trường kinh tế xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, gắn liền với nhiều yếu tố.
Trước hết, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố, khi GRDP Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng 6,46%.
Trong đó, lãi suất thấp, cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi; chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 1.582.000 tỷ đồng; trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 82% tổng dư nợ cho vay.
Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng còn đến từ công tác hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, chính sách ưu đãi của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân Thành phố. Theo đó, thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, cụ thể là với các hoạt động ký kết, giải ngân cho vay; đối thoại và tháo gỡ khó khăn… đã tạo điều cho doanh nghiệp người dân tiếp cận thuận lợi vốn và cơ chế chính sách.
Đặc biệt, với tinh thần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn việc ký kết cho vay vốn, giải ngân gói tín dụng ưu đãi với các tiêu chí về giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức tín dụng, về cho vay xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo đối tượng của các gói tín dụng ưu đãi, thụ hưởng chính sách theo đúng quy định.
Đến nay, gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia từ đầu năm, với quy mô gói 509.864 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 273.786 tỷ đồng, bằng 53,7% cho 79.306 khách hàng, doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được tổ chức thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn.
Kỳ vọng duy trì lãi vay ở mức hợp lý
Dù tốc độ giải ngân tín dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tương đối ảm đạm trong những tháng đầu năm, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn cho rằng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế vẫn sẽ đạt mục tiêu trong năm nay.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB, tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên những kỳ vọng từ động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay có sự đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.
Ngoài ra, với tình hình tỷ giá căng thẳng ở hiện tại cùng với chi phí đầu vào tăng khi lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng thêm 70-100 điểm cơ bản, sẽ tạo áp lực tăng lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ vẫn duy trì ở mức hợp lý hơn mức đỉnh của năm 2023, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Ở góc độ thị trường và doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), cho biết nhu cầu vốn của doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là rất lớn.
Một khảo sát mới đây của HUBA cho thấy có tới 16% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, do thiếu vốn kinh doanh. Khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn vẫn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá ngặt, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm nay. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đang đối mặt với tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi chủ nợ vay hối thúc.
Đáng chú ý, có tới 50% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu các đơn hàng mới, do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Điều này cũng phần nào lý giải các doanh nghiệp ít có nhu cầu vốn thời gian qua, dù lãi suất vay đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, các áp lực về nghĩa vụ thuế, phí, bảo hiểm xã hội… vẫn được cho là cao trên sức chịu đựng của khá nhiều doanh nghiệp.
Với thực tế đó, HUBA cho biết có tới 45% doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tham gia khảo sát đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa hoàn toàn hồi phục.
Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tín dụng tiếp tục tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tái hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giảm lãi vay, dù lãi suất huy động trên thị trường đang có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn…/.
Quy định điều kiện xem xét chấp thuận khoản cấp tín dụng vượt giới hạn
Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg nêu rõ điều kiện đối với khách hàng vay vốn cũng như tổ chức tín dụng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.