Tín dụng chính sách giúp bà con vùng cao Bắc Kạn vượt nghèo

Vốn chính sách thực sự trở thành một trong những nguồn lực chính giúp vùng cao Bắc Kạn giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,9% giai đoạn 2016-2020, bình quân giảm 2,18%/năm.
Mô hình kinh tế trồng dưa lưới của anh Nguyễn Trọng Hiền. (Ảnh: Vietnam+)

Mười chín năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội được coi là nguồn lực chính trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, đời sống nhân dân, nguồn vốn chính sách ở Bắc Kạn vẫn triển khai hiệu quả, đến 31/8 đạt 2.298 tỷ đồng với 42.289 lượt hộ vay vốn. Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn từ vùng sơn cước Ba Bể, Pác Nặm đến triền đồi Chợ Mới, Chợ Đồn được vay vốn thuận lợi, kịp thời để trồng trọt, chăn nuôi, tạo nguồn thu cho gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Trọng Hiền ở tổ 11B, phường Sông Cầu là một trong số những hộ điển hình trên địa bàn thành phố Bắc Kạn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách.

[Đã giải ngân được 145 tỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất]

Anh Hiền chia sẻ, thông qua Hội nông dân phường Sông Cầu, năm 2019 được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng cộng với số tiền tích lũy, gia đình anh đầu tư thiết kế nhà lưới trên toàn bộ diện tích 500m² đất vườn. Với ưu thế vượt trội của hệ thống nhà lưới là ngăn ngừa hiệu quả các loại thiên địch gây hại, gia đình chủ động canh tác các loại dưa cho năng suất cao, sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, chủ yếu phun các loại chế phẩm sinh học như dịch mật, dịch chuối. Ngoài ra, hệ thống nước tưới thiết kế nhỏ giọt tự động luôn đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm, cây trồng phát triển tốt.

Sau 70 ngày chăm sóc, quả đủ vị ngọt sẽ tiến hành cắt nước toàn bộ vườn dưa, trước vài ngày thu hoạch. Giá bán lẻ tại nhà quả loại 1 là 45.000 đồng/kg; loại 2 là 30.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế đạt 60 triệu đồng/vụ. Anh Hiền dự định, sau khi thu hoạch dưa sẽ xử lý toàn bộ đất sạch sẽ, để trồng cây dâu tây trong tháng 10/2021.

Hay như gia đình ông Nông Văn Duyên, dân tộc Tày ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn vay vốn ưu đãi đầu tư xây chuồng trại kiên cố, nuôi 25 con bò, trồng 2ha rừng keo lá chàm. Số tiền thu được từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nhà ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả đủ, trả đúng kỳ hạn nợ vay ngân hàng.

“Vào giữa lúc dịch bệnh năm nay, gia đình tôi còn được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay bổ sung 90 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất,” ông Duyên tâm sự.

Cũng được vay vốn chính sách thoát nghèo, đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng xung quanh hồ Ba Bể đã sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao như mô hình trồng chè sạch theo công nghệ VietGap 18ha ở xã Mỹ Phương, vườn hồng không hạt 9ha ở xã Thượng Giáo, 21ha mướp vàng, bí xanh quanh sườn đồi xã Địa Linh... Nhờ sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, nên huyện Ba Bể có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, thu nhập hàng năm của đồng bào dân tộc tăng nhanh và được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

Điểm giao dịch tại tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Vietnam+)

Vốn chính sách thực sự trở thành một trong những nguồn lực chính giúp vùng cao Bắc Kạn giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,9% giai đoạn 2016-2020, bình quân giảm 2,18%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó đã trực tiếp chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ngân sách địa phương cũng đã ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội 33,5 tỷ đồng, tăng 5,6 tỷ đồng so với cuối năm 2020, hoàn thành 112% kế hoạch. Từ đó, tập trung thêm các nguồn lực tài chính về Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi đang được chuyển tải kịp thời về khắp vùng miền núi cao, vùng xa thông qua mạng lưới 108 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã, phường, thị trấn và hệ thống 1.597 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh Bắc Kạn. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng đồng thời thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác quản lý vốn vay, thu nợ, thu lãi đúng quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục