Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái siết chặt tín dụng. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận với đề nghị tăng tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào (trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém).
Nhiều nhà băng đã cạn room
Sau khi Chỉ thị 04 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không xem xét, điều chỉnh nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được ban hành, LienVietPostBank đã chính thức công bố điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2018 từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho biết, một trong những lý do chính khiến Ngân hàng điều chỉnh kế hoạch là việc Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng. Dư nợ cho vay đến cuối tháng Sáu của ngân hàng này đạt 113,254 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm, trong khi ngân hàng này chỉ được cấp chỉ tiêu là 14%.
[Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030]
“Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank đạt 20%. Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh của năm 2018 từ những tháng cuối năm 2017 nên dựa theo mức tăng trưởng tương đương năm cũ. Với việc Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng, hoạt động kinh doanh không thể phát triển như chỉ tiêu ban đầu nên lợi nhuận phải điều chỉnh giảm,” ông Thắng cho biết.
Nhiều ngân hàng tuy chưa có động thái thay đổi kế hoạch, nhưng cũng phải “gồng mình” để duy trì mục tiêu ban đầu.
Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý 2 của các ngân hàng đã công bố cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đạt tăng trưởng trong hoạt động cho vay khách hàng (chỉ có một số ngân hàng sụt giảm). Trong đó, 11/23 ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng từ 10% trở lên.
TPBank là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất, nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì ngân hàng này tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết, mức này đã sát với mức trần được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho TPBank là 15%. Như vậy, ngân hàng còn không đến 500 tỷ đồng để giải ngân trong 6 tháng còn lại (sẽ nhiều hơn khi đáo hạn các khoản cho vay trước đây).
Hay như tại Vietcombank, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 11,5% trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm chỉ ở mức 14-15%. HDBank, ACB và MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% cho cả năm nhưng 6 tháng dư nợ cho vay cũng đã tăng hơn 11%.
Một số ngân hàng khác như Sacombank, Kienlongbank, VietAbank, VietBank cũng đã đạt 10%-10,8%.
Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng kể trên đã sắp hết room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ từ đầu năm.
Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chủ trương kiểm soát tín dụng không có gì là bất ngờ đối với các ngân hàng. Bởi ngay từ đầu năm, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ngân hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra, năm nay khác các năm trước là thường đến giai đoạn giữa năm các ngân hàng lại được Ngân hàng Trung ương xem xét nới room tín dụng, năm nay thì điều này không lặp lại.
Động thái này của cơ quan quản lý được đánh giá là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện tình hình tài chính thế giới đang biến đổi nhanh và có những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát trong năm nay cũng như năm sau...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng mà kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, nhất là vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Các ngân hàng muốn cho vay thêm phải tích cực thu hồi nợ để tiếp tục cho vay mới.
“Nợ phải luân chuyển, chứ không phải các ngân hàng cho vay để nợ xấu không thu hồi được lại đòi cho vay mới. Mặt khác, các ngân hàng phải xem xét lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mình, tại sao nửa năm đã sử dụng hết room tín dụng cả năm,” ông Hùng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu) cho biết, các tổ chức tín dụng cần phát triển theo kế hoạch gia tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng doanh thu chứ không nên dựa hoàn toàn vào tín dụng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng phải tính toán giữa số lượng với chất lượng tín dụng.
"Hiện có nhiều tổ chức tín dụng nói rằng họ cạn room tín dụng nhưng chúng ta phải rất bình tĩnh và phải nghĩ đến cái chung của nền kinh tế, mục tiêu ở đây là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhắc lại hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán có liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, do vậy phải quản lý tốt tín dụng vào hai lĩnh vực này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định, đối với room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cứng nhắc nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát.
Làm gì để không bị ảnh hưởng đến lợi nhuận
Trái ngược với việc room tín dụng cạn/gần cạn, nguồn tiền tại các nhà băng lại rất dồi dào. Có thể thấy tại Vietcombank, tiền gửi khách hàng tính đến 30/6 đạt 764.000 tỷ đồng, trong khi cho vay đạt 591.000 tỷ đồng. Hay tại MB, huy động từ khách hàng tính đến 30/6/2018 đạt 234.000 tỷ đồng, nhưng cho vay mới đạt 197.000 tỷ đồng. Tương tự, tại LienVietPostBank, tiền gửi khách hàng tính đến 30/6 đạt 146.000 tỷ đồng, cho vay mới đạt 113.000 tỷ đồng. Vậy các ngân hàng giải quyết vấn đề “thừa tiền” thế nào?
Đã tăng trưởng tín dụng hơn 10%, nếu tiếp tục cho vay các khoản lớn, ngân hàng sẽ nhanh chóng cạn room, vì thế PVcomBank chuyển hướng sang các khách hàng nhỏ hơn, dành nhiều ưu đãi cho các hộ kinh doanh, hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Đại diện PVcomBank cho biết, nhóm này do đặc thù kinh doanh cũng như do tư duy cũ và các mô hình kinh doanh của họ chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc tiếp cận vốn của ngân hàng còn hạn chế, các ngân hàng cũng chưa quan tâm tập trung xây dựng chính sách riêng cho phân khúc này, chính vì vậy PVcomBank nhận thấy đây là phân khúc khách hàng tiềm năng.
Một số ngân hàng cho biết, lãi suất của các khoản vay nhỏ thường cao hơn 1-2% so với các khoản vay lớn. Với các khoản vay tiêu dùng, lãi suất có thể cao gấp đôi so với cho vay doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng gần hết room tín dụng sẽ có xu hướng chia nhỏ các khoản vay cho nhiều khách hàng. Thay vì cho 1 khách hàng vay 100 đồng, các ngân hàng sẽ tìm 100 khách hàng, cho mỗi người vay 1 đồng.
Còn lãnh đạo các ngân hàng LienVietPostBank khẳng định vẫn còn những nguồn thu tốt khác nên không quá lo về chỉ tiêu lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Khối nghiên cứu chiến lược LienVietPostBank cho biết, tăng trưởng chuyển đổi tín dụng thế này không những giúp cho LienVietPostBank có thể mang lại nguồn thu tốt hơn có thể biên độ lợi nhuận khách hàng cá nhân thường cao hơn hiên của khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi khách hàng cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thì họ có xu hướng sử dụng thêm các sản phẩm khác thì nguồn thu sẽ có cải thiện
Tổng giám đốc một nhà băng gần hết room tín dụng cho biết, giải pháp của ngân hàng ông là sẽ cơ cấu lại tín dụng với các khoản vay khách hàng lớn đến hạn, ưu tiên cho bán lẻ ngắn hạn. Ngoài ra, ngân hàng cũng đẩy mạnh nguồn thu từ bán bảo hiểm, kinh doanh ngoại tệ...
Để không ảnh hưởng lợi nhuận của các ngân hàng, chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng hiến kế các ngân hàng gần hết room tín dụng để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị 04 thì có thể tái cơ cấu các khoản vay, áp dụng lãi suất cho vay cao hơn và lãi suất tiền gửi thấp hơn để đẩy mạnh tỷ lệ NIM, đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hoạt động, đăng ký hỗ trợ các ngân hàng yếu kém…
Theo đó, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế chung của các ngân hàng đã niêm yết mà HSC theo dõi trong năm 2018 vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng 32,28% và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019./.
Trước đó vào đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu điều hành tín dụng với tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2018 là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt khoảng 7,88%, trong khi cùng kỳ năm 2016 và 20107 lần lượt là 8,21% và 9,06%.Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng ngân hàng, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát và chất lượng cho vay của những ngân hàng đó.