Tìm xu hướng kinh tế-tài chính sau khủng hoảng

Khoảng 100 đại biểu dự Hội thảo lần thứ 7, Hội VnFinance, với chủ đề “Xu hướng phát triển kinh tế-tài chính sau khủng hoảng,” ở Paris.
Hội thảo lần thứ 7 của Hội các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế-tài chính người Việt, nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam tại Pháp (Hội VnFinance) với chủ đề “Xu hướng phát triển kinh tế-tài chính sau khủng hoảng,” vừa diễn ra tại Đại học Sư phạm Cachan, ngoại ô Paris, với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sỹ gốc Việt đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, toán tài chính, các nhà nghiên cứu kinh tế, cùng các nghiên cứu sinh, sinh viên Pháp và Việt Nam.

Hội thảo do Hội VnFinance phối hợp với Đại Sứ quán Việt Nam, Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) tổ chức, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập Hội VnFinance.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp đã tập trung thảo luận về các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam và sự điều chỉnh chiến lược kinh tế sau khủng hoảng của các nước trên thế giới; xu hướng phát triển của thị trường tài chính và sự điều chỉnh chính sách của các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các định chế tài chính.

Các đại biểu tham dự đã nghe các báo cáo tham luận về tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, vấn đề tái cấu trúc và quản trị nợ trong thời khủng hoảng, những bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các cuộc khủng hoảng đã và đang diễn ra trên thế giới, có thể xem xét và áp dụng đối với nền kinh tế các nước mới nổi; trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp bên lề cuộc hội thảo, các giáo sư Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS); giáo sư Phạm Hi Đức, Chủ nhiệm Khoa tài chính Trường đào tạo kỹ sư ECE Paris; giáo sư Phạm Xuân Huyên của Đại học Paris 7, thành viên Viện hàn lâm khoa học Pháp; ông Nguyễn Hạnh, chuyên viên cấp cao về phân tích và chiến lược thuộc tập đoàn Euronext đã chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra từ các cuộc khủng hoảng và một số giải pháp có thể áp dụng ở Việt Nam.

Các diễn giả cho rằng việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng là điều cần thiết và cấp bách hiện nay ở Việt Nam nhằm khẳng định và tạo dựng lòng tin đối với khách hàng. Vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng cần gắn với việc thành lập các cơ quan giám sát nội bộ các tổ chức ngân hàng, tín dụng, tăng cường sự minh bạch và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, các học giả cũng nhấn mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nên chú trọng phát triển quỹ đầu tư tài chính.

Trong khuôn khổ cuộc hội thảo, VnFinance đã tổ chức một diễn đàn bàn tròn trực tiếp với các giáo sư, chuyên gia kinh tế-tài chính về các chủ đề mang tính thời sự, bàn về một số giải pháp, kinh nghiệm của các nước phát triển mà Việt Nam có thể tiếp thu và vận dụng trong thực tiễn nhằm hạn chế các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam.

Trong bầu không khí thân thiện, cởi mở, các diễn giả đã trao đổi với các bạn trẻ đang nghiên cứu, học tập trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng về cơ chế điều hành và hoạt động của một số định chế tài chính châu Âu, một số nhìn nhận về hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam trong quá trình hội nhập, cũng như vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch VnFinance Nguyễn Trung Lập, thành lập từ năm 2007, vượt qua những khó khăn ban đầu, VnFinance đã gặt hái được một số thành công nhất định như tổ chức các hội thảo chuyên đề, xây dựng các nhóm nghiên cứu, làm việc trong từng lĩnh vực chuyên ngành về tài chính, kết nối với nhiều chuyên gia làm việc trên thị trường tài chính của Pháp, Anh, Mỹ…, nhằm góp phần nhỏ bé cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Theo anh Lập, thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tổ chức hội thảo, chuyên đề, tăng cường kết nối với cộng đồng người Việt nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực tài chính ở nhiều nơi trên thế giới.

Dự kiến VnFinance sẽ phối hợp cùng Hội AVSE sớm cho ra mắt bản tin chuyên đề về tài chính, kinh tế bằng tiếng Việt giúp các nhà hoạch định chính sách trong nước có thêm một kênh thông tin tham khảo chuyên ngành./.

Lê Hà-Trung Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục