Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, không giấu niềm vui khi anh điện thoại thông báo cho biết, tại di chỉ Đình Tràng lại vừa phát hiện được thêm 5 di cốt (cuối tháng 6 đã phát hiện 11 di cốt). Theo vị phó giáo sư, việc phát hiện thêm những di chỉ khảo cố đúng dịp kỷ niệm Đại lễ ngàn năm không chỉ khiến các nhà khoa học hạnh phúc vì được “chạm vào lòng đất Cổ Loa,” mà còn đây là những di cốt có ý nghĩa cô cùng quan trọng. Những phát lộ quý báu Khi phóng viên đến di chỉ Đình Tràng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã bất ngờ chứng kiến phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Cường đang bò xoài người xuống, cắm cúi và khéo léo dùng chiếc que kim loại nhỏ xíu gẩy từng hạt đất bám trên phần di cốt. Ông hân hoan báo tin tìm được di cốt người xưa với một giọng phấn khởi như thể ai cũng “mê xương” như ông vậy: “Đẹp lắm! 4.000 năm đấy!” Rồi ông bảo: Đây là di cốt không có đồ tùy táng nhưng dựa vào răng có thể xác định được niên đại. Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là nhà khoa học đã dành gần như toàn bộ đam mê và thời gian cho việc khai quật và nghiên cứu cổ nhân đã từng gây ấn tượng với phóng viên từ nhiều năm trước qua tấm danh thiếp của ông có logo là bộ xương sọ người quay nghiêng. Có người đã gọi ông là nhà “xương học”. Tiến sĩ Lại Văn Tới, phụ trách công trường khai quật cho biết: Chúng tôi làm cả đợt khai quật này chính là theo yêu cầu của bảo tàng Hà Nội để hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chúng tôi đã biết từ 6 lần khai quật trước rằng di chỉ Đình Tràng này là một di chỉ “cư trú-mộ táng”, nhưng ở lần khai quật quy mô nhất này, vẫn bất ngờ vì kết quả tìm được. Nói rồi, tiến sĩ Lại Văn Tới chỉ vào một mảnh gốm rất nhỏ, mắt sáng ngời bảo: “Có gốm đây này...” Thứ Bảy và cả Chủ Nhật, nắng nóng như trút lửa mà các nhà khoa học làm công tác khảo cổ vẫn say mê cặm cụi với từng mảnh gốm, từng đốt xương cốt của cổ nhân. Nhưng trên gương mặt của các anh, có một sự hân hoan không nén lại được. Dấu tích của thành CổLoa xưa Tiến sĩ Lại Văn Tới cho hay, các nhà khoa học đã phát hiện ra hai dãy lỗ chân cột theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Một dãy bao gồm 11 hố chân cột, một dãy có 16 hố chân cột với khoảng cách giữa các hố khác đều nhau của chân cột lũy thành. Phía ngoài hố chân cột, nền đất thoải xuống, xuất hiện than được tạo thành do cây cối bị vùi lấp. Đây là dấu hiệu của dòng chảy cổ bên cạnh thành lũy tiền tiêu, mà theo ông Tới, đó là dòng Hoàng Giang. "Hoàng Giang là một dòng sông nhỏ nhưng rất quan trọng vì kết nối các hào nước, liên thông các vòng thành 'trong lũy ngoài hào' của Cổ Loa xưa," ông Tới nhấn mạnh. Dựa trên tỷ lệ vũ khí, binh dụng (mũi tên, mũi giáo) nhiều hơn các đồ gia dụng (lưỡi câu, niêu bát) nên có thể khẳng định tại di chỉ Đình Tràng là khu vực phòng vệ tiền tiêu của Loa Thành xưa nên đã là chiến trường để bảo vệ Cổ Loa. Hàng trăm vũ khí, mũi tên, dao, giáo, rìu chiến và các mộ đã được phát hiện; trong đó còn có cả mộ có mũi tên đồng cắm vào xương sọ. Lần này, tại di chỉ khảo cổ học Đình Tràng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một hệ thống 45 lò nung bố trí dày đặc theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Bếp được đắp bằng đất nhưng bên trong lại được gia cố bằng một hệ thống tre đan thành khung. Tiến sĩ khảo cổ học Lại Văn Tới khẳng định, đây chính là một công xưởng đúc đồng rèn vũ khí của cư dân Việt cổ. Sẽ có nghiên cứu về nhân chủng học Trong đợt khai quật ngày 1/7/2010 này, các cán bộ Viện Khảo cổ đã phát hiện thêm 5 ngôi mộ thuộc giai đoạn Phùng Nguyên ở di chỉ Đình Tràng, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trước đó, trong đợt khai quật cuối tháng 6/2010, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 11 ngôi mộ, nhưng chỉ 8 trong số đó có dấu vết xương, răng và có tới bảy hài cốt là của trẻ em. Đặc biệt nhất là di cốt ở mộ số chín là ngôi mộ đẹp nhất còn giữ lại được di cốt người của văn hóa Phùng Nguyên (cách đây khoảng 4.000 năm) tìm thấy ở Hà Nội. Được biết, đây là ngôi mộ của một phụ nữ khoảng 30-35 tuổi. Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Cường chỉ từng chi tiết trên di cốt cho thấy rõ người đã chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, 2 tay đặt xuôi dọc theo thân, đầu nghẹo sang phía vai trái. Trên đùi và hông trái có một đồ gốm tùy táng thuộc văn hoá Phùng Nguyên, đã bị vỡ. Theo ông Lân Cường, sở dĩ ngôi mộ được bảo toàn đến ngày nay bởi người xưa đã chôn sâu vào lớp đất sinh thổ, dân gian vẫn gọi là đất cái, vi khuẩn không thể xâm hại. Nhà khoa học tấm tắc: "May mà địa táng thẳng xuống đất, nếu có quan tài thì không khí lọt vào khó giữ được thế này lắm." Ngay cả táng trực tiếp xuống đất cũng có các táng thức như: táng nghiêng, táng nằm ngửa và táng nằm co. Đợt khai quật lần này còn cho thấy các ngôi mộ cổ khác thuộc nhiều tầng văn hóa khác nhau, giúp ích cho việc nghiên cứu nhân chủng học về thời kỳ này. “Chúng tôi sẽ chuyển các bộ xương về Viện khảo cổ để nghiên cứu. Riêng ngôi mộ số chín thì sắn nguyên cả đất rồi mang về phục chế. Phải cẩn thận lắm không gẫy mất chút nào thì tiếc lắm,” ông Cường nói.
Có căn cứ về những tầng sâu nhất của văn minh sông Hồng Ở tầng văn hóa sâu nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số đồ đá, gốm tinh xảo, đặc biệt là mảnh gốm có hình con rùa đang bơi rất đẹp, một hiện vật hiếm gặp tại các di chỉ khảo cổ tại miền Bắc. Những di chỉ này cho thấy, Đình Tràng là nơi đã phát lộ cả bốn tầng văn hóa của nền văn minh sông Hồng: Phùng Nguyên (cách đây 4.000 năm), Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Theo tiến sĩ Lại Văn Tới: Đặc biệt trong những vậy dụng tìm thấy, có đôi khuyên tai rất tinh tế, có bát bồng (bát bày hoa quả thờ) bằng đất nung thời văn minh Đồng Đậu cách đây từ 3.000 đến 3.500 năm. Những đồ gốm có hoa văn vạch tinh tế mà sau này đã được thể hiện trên trống đồng. |
Nguyễn Anh (Vietnam+)