Ngày 14/11, Viện nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Gò Cây Me.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Thành cho biết khoảng 30.000 di vật đã được tìm thấy tại di chỉ Gò Cây Me.
Trong thời gian hai tháng, đoàn khai quật đã đào 8 hố rộng tổng cộng 200m2, phát hiện 8 lò nung gốm kiểu lò ống. Cấu tạo lò gồm 3 phần: cửa lò hình phễu, thân lò hình thang và hậu lò gồm các lỗ thoát khói.
Trong số các di vật mà đoàn thu được, có 16.273 di vật đồ gốm Việt Nam; 27 di vật gốm Trung Quốc. Đồ gốm Việt được tìm thấy gồm gốm men trắng, men nâu và gốm hoa lam.
Di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định là một trong 6 trong sáu trung tâm sản xuất đồ gốm của người Chăm ngày xưa tại Bình Định dọc bên bờ sông Kôn, gồm: Gò Sành, Trường Cửu, Gò Hời, Gò Ké, Gò Giang và Gò Cây Me.
Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm Bình Định, niên đại thế kỷ 15, chứng tỏ có sự giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các vùng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Thành cho biết gốm cổ Bình Định được tìm thấy tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines... đến các quốc gia vùng Trung cận Đông./.