Tìm ra phương pháp mới giúp cải thiện điều trị ung thư

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem (Israel) đã phát triển một phương pháp phát hiện những "điểm nóng" trên tế bào ung thư, từ đó có thể cải thiện quá trình điều trị căn bệnh này.
Tìm ra phương pháp mới giúp cải thiện điều trị ung thư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: timesofisrael.com)

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Israel đứng đầu đã phát triển một phương pháp tiên tiến để phát hiện các "điểm nóng" dễ bị tổn thương trong các khối u. Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị cho nhiều bệnh nhân hoặc cho nhiều loại ung thư.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem (HUJI) cho biết những "điểm nóng" này là những đoạn protein đột biến trên màng tế bào ung thư, có thể khiến các khối u tiếp xúc với hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Nhóm nghiên cứu cho hay hầu hết các phân đoạn protein đột biến trong tế bào ung thư có cấu trúc khác nhau ở mỗi bệnh nhân, vì vậy các phương pháp điều trị tạo ra phản ứng miễn dịch ở một bệnh nhân không có nghĩa là sẽ phù hợp với tất cả bệnh nhân ung thư khác.

Tuy vậy, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới, qua đó có thể tìm thấy một số loại phân đoạn xuất hiện ở nhiều bệnh nhân, nhờ đó áp dụng một kiểu điều trị cho nhiều bệnh nhân.

[Tế bào gốc tự thân - Tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ não]

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thuật toán tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu toàn cầu gồm dữ liệu gene của hàng nghìn bệnh nhân mắc ung thư da hắc tố và cuối cùng đã tìm ra các đoạn protein có thể sử dụng như các "điểm nóng."

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một "điểm nóng" có đặc điểm thể hiện của ung thư da hắc tố và điểm nóng có thể sử dụng để đánh dấu các tế bào ung thư để hệ miễn dịch nhận biết và tấn công điểm nóng này.

Các nhà khoa học kết luận rằng phương pháp điều trị này có chi phí rẻ hơn, dễ thực hiện hơn phương pháp tạo ra các tế bào miễn dịch, và có thể áp dụng trong điều trị nhiều bệnh ung thư khác.

Công trình nghiên cứu trên do Viện Khoa học Weizmann của Israel, Đại học Hebrew ở Jerusalem, Đại học Stanford (Mỹ) và một số tổ chức của Israel, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Thụy Sĩ, Anh và Thụy Điển. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Journal of Clinical Investigation (Mỹ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục