Tìm ra nguyên nhân gây cháy pin máy bay Boeing

Các điều tra viên đã tìm ra chứng cứ khiến pin bị cháy khiến chiếc Dreamliner của JAL gặp sự cố, nguyên nhân do đoản mạch.
Ủy ban An toàn Giao thông vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết họ đã xác định rõ nguyên nhân gây cháy pin của chiếc máy bay Boeng 787 Dreamliner, buộc nhiều hãng hàng không trên thế giới tạm dừng sử dụng siêu cơ này. Chủ tịch NTSB Deborah Hersman cho biết các điều tra viên điều tra vụ cháy xảy ra trên một chiếc 787 Dreamliner của hãng hàng không Japan Airlines đã tìm được chứng cứ cho thấy một viên pin trên bộ pin đã bắt lửa khi chiếc máy bay dừng ở dưới đất tại Boston. “Có nhiều dấu hiệu đoản mạch xuất hiện trong viên pin, một trong 8 viên thuộc bộ pin lithium-ion của chiếc máy bay. Đoản mạch đã dẫn tới sự cố pin tăng nhiệt không thể kiểm soát nổi hoặc truyền nhiệt sang viên pin nằm cạnh đó" - bà Hersman nói. "Chúng tôi giờ đang tích cực nhận diện nguyên nhân gây đoản mạch trên viên pin số 6" - bà nói tại một cuộc họp báo - "Chúng tôi chưa đạt được bất kỳ kết luận nào vào tại thời điểm này. Cháy pin là nguyên nhân một chuyến bay của hãng All Nippon Airways phải hạ cánh khẩn cấp trong ngày 16/1, dẫn tới việc người ta đình chỉ bay toàn bộ 50 chiếc Boeing 787 đang hoạt động trên toàn cầu cho tới khi việc sửa chữa tiến hành xong. Hiện việc đình chỉ bay đã kéo dài sang tuần thứ tư. Hersman nói rằng các điều tra viên của NTSB đang kiểm tra mẫu thiết kế, hoạt động sản xuất và phóng điện của các viên pin. Bà cũng chỉ trích Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) do đã vội cấp phép hoạt động cho những chiếc 787 cách đây 2 năm, nói rằng nó là mẫu máy bay an toàn, đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm sâu rộng. Bà nói rằng trong khuôn khổ tiến trình cấp phép thông thường, vốn quan tâm khá lớn tới vấn đề an toàn, FAA lại dựa quá nhiều vào thông tin do Boeing cung cấp.

Boeing đã ước tính rằng sự kiện bộ pin bốc khói sẽ xảy ra ít hơn 1 lần trên 10 triệu giờ bay. Tuy nhiên thực tế bộ pin đã bị cháy tới hai lần khi những chiếc máy bay hoạt động chưa đầy 100.000 giờ bay.  "Chúng tôi đã chứng kiến 2 vụ cháy trên 2 chiếc máy bay chỉ cách nhau có 2 tuần" - bà nói. Bộ trưởng Giao thông Ray LaHood, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp báo của NTSB, nói rằng FAA cần thực hiện "bất kỳ các biện pháp cần thiết nào để đảm bảo công tác an toàn". Cuối ngày thứ Năm, FAA đã thông qua đề nghị của Boeing trong việc cho phép mẫu Boeing 787 được thực hiện các chuyến bay thử. "Các chuyến bay thử sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo sự an toàn của hành khách và việc đưa những chiếc máy bay trở lại hoạt động" - FAA nói. Boeing vẫn khẳng định 787 là mẫu máy bay an toàn. Trước đó, công ty nói rằng họ sẽ "không ngần ngại" thực hiện các thay đổi dẫn tới việc giúp cải thiện tiến trình thử nghiệm và sản xuất. Hersman nói rằng NTSB sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản và Pháp. Công ty Thales của Pháp đã thiết kế hệ thống điện của Dreamliner và công ty GS Yuasa của Nhật Bản đã được ủy quyền sản xuất những viên pin. Một báo cáo chi tiết của NTSB về vụ cháy pin và quy trình cấp phép, thử nghiệm pin, sẽ được công bố trong 30 ngày tới. Kể từ khi 787 bị ngừng sử dụng, Boeing đã tạm ngưng việc bàn giao các mẫu máy bay này, vốn bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 10/2011. Chiếc máy bay đã được quảng bá là tiết kiệm nhiên liệu do dùng nhiều vật liệu composite có trọng lượng nhẹ và được trang bị hệ thống điện tử mang tính tiên phong. Boeing đã tiếp tục sản xuất Boeing 787 với tốc độ 5 chiếc mỗi tháng. Richard Aboulafia, một chuyên gia về công nghiệp hàng không tại Tập đoàn Teal, dự báo cuộc điều tra kéo dài sẽ dẫn tới việc "tái cấp phép" hoạt động Boeing 787, khiến chiếc máy bay sẽ phải ngưng hoạt động trong 6 tháng hoặc lâu hơn nữa. Cổ phiếu của Boeing đã đóng cửa giao dịch cao hơn tới 1,5% và đạt mức 77,43 USD/ cổ phiếu trong ngày thứ Năm./.

Tin cùng chuyên mục