Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt, bão số 3 vừa đi qua, để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều địa phương trên cả nước, rất cần các nguồn lực chung tay hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Quỹ phòng, chống thiên tai đang là một trong những nguồn hỗ trợ thiết thực cho các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này cần có phương án phù hợp để mang lại ý nghĩa thực sự cho người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.
Hiệu quả từ nguồn quỹ địa phương
Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn quỹ được chia thành hai nguồn: quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai đóng góp của địa phương theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP là mức đóng bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn. Cùng với đó là đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. Thời gian qua, việc vận hành quỹ tại nhiều địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Điển hình như tại Nam Định, một địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, những năm qua, nhiều công trình đã sử dụng nguồn quỹ này. Trên địa bàn huyện Hải Hậu, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường dâng cao gây sóng lớn đã làm sạt sập, lún võng 32,5m2 kè Táo Khoai (xã Hải Hòa); 91m2 kè Hải Thịnh 2; 340m2 kè Hải Thịnh 3, thị trấn Thịnh Long…
Trước tình hình trên, được sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh và bằng các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ của Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh, huyện Hải Hậu đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý các sự cố kè tại kè Táo Khoai, kè mỏ Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 với tổng diện tích bị sạt, sập, lún võng 463,5m2. Nhờ đó, đến nay các tuyến đê, kè trên địa bàn huyện bảo đảm an toàn.
Với tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, từ nguồn thu của Quỹ phòng, chống thiên tai được giữ lại tại cấp huyện, nhiều công trình trên địa bàn các địa phương như Hoằng Hóa, Nga Sơn... đã được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chủ động phòng, chống thiên tai. Quỹ phòng, chống thiên tai cũng đã hỗ trợ 110 triệu đồng để duy trì hoạt động của 5 điểm đo thủy văn thuộc Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa quản lý.
Đánh giá về sự cần thiết và việc sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Đức Luận cho biết các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai việc sử dụng nguồn quỹ, phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh ngân sách chưa đảm bảo.
Sau khi bão số 3 gây thiệt hại, nhiều địa phương đã sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Cụ thể: Lào Cai sử dụng 5 tỷ đồng, Hải Phòng 50 tỷ đồng, Điện Biên 3 tỷ đồng, Yên Bái 13 tỷ đồng, Thái Nguyên 10 tỷ đồng…
Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố cũng sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ thiệt hại cho địa phương khác. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa 2,5 tỷ đồng năm 2017, khoảng 5 tỷ đồng năm 2021, khoảng 6 tỷ đồng năm 2024.
Thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm, đã hỗ trợ các địa phương: Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Khánh Hòa khoảng 49,9 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh Lào Cai quyết định tạm ứng 4 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để hỗ trợ tỉnh Lai Châu khắc phục thiệt hại thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không quản lý quỹ tại địa phương
Ông Phạm Đức Luận cho biết tính đến 20/9 vừa qua, Quỹ phòng chống thiên tai tại 63/63 tỉnh, thành phố thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ đồng, kết dư quỹ 2.263 tỷ đồng.
Số tiền kết dư này hiện do Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố quản lý theo quy định tại Điều 16, Nghị định 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. “Việc công khai thu chi quỹ này do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không quản lý quỹ này. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương còn tồn dư Quỹ phòng chống thiên tai nhiều xem xét nếu có thể hỗ trợ, chuyển cho các địa phương khó khăn để khắc phục hậu quả thiên tai,” Cục trưởng Phạm Đức Luận nêu rõ.
Lý giải về việc số Quỹ phòng, chống thiên tai còn tồn nhiều, ông Phạm Đức Luận cho rằng, nguồn quỹ này phần lớn tồn ở các tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương… do nguồn thu nhiều nhưng lại ít chịu ảnh hưởng thiên tai. Còn các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, thu được rất ít hoặc còn tồn quỹ rất ít.
Bên cạnh đó, thống kê của cơ quan quản lý quỹ cũng chỉ ra rằng, việc thu nộp quỹ không đúng tiến độ, đạt tỷ lệ thấp chủ yếu xảy ra ở khối các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đơn cử như huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) trong năm 2022, tỷ lệ thu Quỹ phòng, chống thiên tai tại các tổ chức nêu trên chỉ đạt 40,2% kế hoạch; thị xã Sa Pa thu đạt 6,2% kế hoạch; các địa phương còn lại thu dưới 2% kế hoạch; đặc biệt, thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng không thu được quỹ.
Nguyên nhân dẫn đến việc thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai tại các địa phương đạt thấp là do một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ. Tại điểm h, Điều 13 Nghị định 78 quy định đối tượng được miễn đóng góp quỹ gồm: “… thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn.” Phần lớn công ty, doanh nghiệp cho rằng, việc bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 có thể quy vào trường hợp được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, ngoài khó khăn do dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất của các doanh nghiệp khiến việc thu quỹ gặp khó thì cần xem xét lại công tác tuyên truyền ở cơ sở. Có những doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả nhưng chưa nắm rõ quy định việc nộp Quỹ phòng, chống thiên tai phải được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Cũng có những đơn vị chây ì, không nộp quỹ. Vì vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá, phân loại để xác định đơn vị nào không nộp quỹ do nguyên nhân khách quan; đơn vị nào chưa nắm rõ quy định; đơn vị nào chây ì, cố tình không nộp quỹ… để có phương án xử lý theo các quy định của pháp luật.
Về Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương, theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cơ quan được Chính phủ giao) đã thành lập quỹ; hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư.
Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành Nghị định đến nay, do vướng mắc về mô hình hoạt động nên quỹ chưa đi vào hoạt động. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 78/2021/NĐ-CP và hiện đang xây dựng dự thảo và sẽ trình Chính phủ vào quý 4/2024.
Thời gian tới, khi Nghị định 78/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ góp phần giúp Quỹ phòng, chống thiên tai cấp Trung ương và địa phương đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả thực chất, góp phần quan trọng trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai./.
Thu chi Quỹ Phòng, chống thiên tai được các tỉnh thành thực hiện như thế nào?
Hiện nay, kết dư Quỹ Phòng, chống thiên tai của các tỉnh, thành phố là 2.263 tỷ đồng. Việc tồn quỹ cuối năm nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình thiên tai hàng năm tại địa phương.