Gần một năm nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, đò tay… trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đều là trái so với Nghị định 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ về quản lý hoạt động các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước.
Song nghịch lý ở chỗ, trong cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên, lại có doanh nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước cho phép hoạt động, có doanh nghiệp lại không cho phép hoạt động vì một lý do vướng Nghị định 48.
Chấp nhận kinh doanh trái phép
Nghị định 48/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Nghị định này, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước chỉ được phép hoạt động khi vùng nước đó đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thỏa thuận, công bố mở vùng nước hoạt động (vùng 2, vùng nước không nằm trên tuyến vận tải thủy nội địa).
Trong khi đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa công bố việc mở vùng nước hoạt động, nhưng Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã ký hợp đồng hoạt động dịch vụ với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vốn đã hoạt động trước năm 2022 và ban hành 3 văn bản đôn đốc thực hiện các điều kiện trong hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước như kayak, đò tay… trên vịnh Hạ Long trong năm 2022.
[Vì sao hoạt động chèo đò tay, chèo kayak ở vịnh Hạ Long là trái phép?]
Nhờ được cấp phép nên hiện tại trên vịnh Hạ Long có 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước (10 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ chèo kayak với 2.135 chiếc và 5 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đò chèo tay với 240 đò).
Các hoạt động kinh doanh trên đều được Ban Quản lý vịnh Hạ Long tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long về hoạt động dịch vụ chèo kayak, đò chèo tay và hợp đồng đã ký với Ban này.
Tuy nhiên, lấy lý do phải thực hiện Nghị định 48/2019/NĐ-CP, Ban Quản lý vịnh Hạ Long lại từ chối ký hợp đồng dịch vụ đối với các doanh nghiệp mới dù họ đầy đủ hồ sơ cấp phép hoạt động, kinh doanh nên gây ra những bất đồng trong dư luận.
Danh sách các đơn vị đăng ký hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long gồm có: Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Bhaya, Công ty cổ phần Xây dựng Trí Gia.
Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long Nguyễn Xuân Tùng cho hay qua hơn 2 năm dịch COVID-19 đầy khó khăn, đến nay, du lịch mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm đò và thuyền kayak theo đúng chủ trương được Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long phê duyệt, song lại vướng mắc thủ tục không thể đưa vào hoạt động và không biết gỡ khó từ đâu nên nhiều lao động của công ty phải nghỉ việc luân phiên.
Lúng túng trong tham mưu
Để tìm phương án quản lý loại hình dịch vụ trên theo đúng pháp luật và cũng để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 31/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch làm việc cụ thể với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long và các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước.
Sau khi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh có công văn số 5569/SGTVT-QLVT&PT ngày 22/11/2022 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong đó có đánh giá hiện trạng về hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long như sau: các khu vực cung cấp dịch vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long là những điểm đón khách du lịch trên vịnh, nằm trong hành trình tuyến du lịch tham quan vịnh Hạ Long đã được công bố, hoạt động mang tính vui chơi giải trí, không phải “điểm vui chơi giải trí dưới nước” theo quy định tại Nghị định 48/2019/NĐ-CP; Phương tiện hiện có, đang phục vụ khách ở các điểm dịch vụ trên là các phương tiện thủy nội địa, không phải là “phương tiện vui chơi giải trí dưới nước."
Nhận định trên rõ ràng phía Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cố tình né tránh và đưa các hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long vào diện không phải thực hiện Nghị định 48/2019/NĐ-CP.
Nếu cách hiểu như vậy, theo Thông tư 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 về quy định đăng ký phương tiện thủy nội địa, thì tới đây các phương tiện kayak phải thực hiện việc đăng ký phương tiện, một điều mà nhiều người cho rằng không phù hợp.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Nghị định 48/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, phía Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho rằng nếu giải quyết theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long sẽ phát sinh một số bất cập, vướng mắc, đó là: việc công bố điểm/khu vui chơi giải trí dưới nước gắn liền với việc giao mặt nước cho đơn vị khai thác quản lý, sử dụng, không phù hợp với quy định của Luật Di sản, Luật Du lịch và các quy định khác về tài nguyên, môi trường, an ninh, an toàn…
Thêm vào đó, theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, nếu triển khai theo đúng quy trình gồm: xin ý kiến, thỏa thuận với Ủy ban UNESCO; thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, trang bị các công cụ, dụng cụ phục vụ quản lý… sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trên vịnh Hạ Long hiện có.
Sở Giao thông Vận tải đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh hai phương án giải quyết các vướng mắc đối với quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long.
Phương án 1, thực hiện theo đúng Nghị định 48/2019/NĐ-CP.
Phương án 2, tổ chức hoạt động tại các điểm như trên là điểm du lịch để đón du khách đến sử dụng sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, các điểm trên chỉ là điểm du lịch, không phải là điểm vui chơi giải trí dưới nước và tổ chức quản lý hoạt động theo quy định của Luật Di sản, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác về tài nguyên, môi trường, an ninh, an toàn…
Với phương án 2, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu theo hướng đưa các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long nằm ngoài đối tượng phải thực hiện Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải và liên ngành cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức thêm 1 cuộc họp thành phần đầy đủ các ban ngành, địa phương, các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ này để xem xét giải quyết triệt để, thấu đáo./.