Tim nhân tạo - “Sự màu nhiệm” với người suy tim giai đoạn cuối

Cách đây 9 năm, bệnh nhân mang thai lần đầu tiên và được bác sỹ cho biết suy tim trên bệnh cơ tim giãn, phải điều trị và dùng thuốc thường xuyên. Bệnh nhân đi lại khó khăn, hay bị hoa mắt, chóng mặt.
Hai vợ chồng bệnh nhân Vi Thị Tân vui mừng sau ca cấy ghép tim nhân tạo thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City vừa cấy ghép thành công tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất (HVAD) trên bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.

Sau thành công này, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một trong hai bệnh viện trong nước đã làm chủ được kỹ thuật phức tạp trên.

Không còn hụt hơi, choáng ngất

Bệnh nhân đầu tiên của ca ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất trái HVAD thành công tại Vinmec là chị Vi Thị Tân (sinh năm 1985), ở Mường Lát, Thanh Hóa.

Chỉ vài ngày nữa là có thể ra viện, tâm sự sau ca phẫu thuật, chị Tân vui mừng bày tỏ mình như được hồi sinh. Giờ, Tân nói chuyện dễ dàng, không còn hụt hơi như trước nữa, chị có thể đứng lên, ngồi xuống dễ dàng hơn.

[Hơn 20.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời ]

Bệnh nhân Vi Thị Tân có tiền sử bệnh tim 10 năm, đã chuyển sang suy tim giai đoạn cuối.

Cách đây 9 năm, bệnh nhân mang thai lần đầu tiên và được bác sỹ cho biết suy tim trên bệnh cơ tim giãn, phải điều trị thường xuyên.

“Trước kia, em mệt mỏi, choáng ngất. Sau khi sinh em bé, triệu chứng càng nặng nề hơn, khó thở thường xuyên, đi lại khó khăn và bị tai biến mạch máu não vài lần. Vào ngày mùng 3 Tết vừa qua, em bị tai biến mạch máu não dẫn tới méo miệng, tính mạng nguy kịch đã phải nhập Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, sau đó em được chuyển tới Bệnh viện Vinmec để cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất,” bệnh nhân Tân kể lại.

Cơ tim của bệnh nhân giãn lớn, đồng thời có tai biến mạch máu não. Bệnh nhân thường xuyên trong tình trạng bước đi một lát rồi không thở được. Trước kia bệnh nhân phải thở ôxy, dùng nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị tim mạch khác nhau. Chị Tân được điều trị nội khoa theo phác đồ trị liệu tối ưu nhưng không hiệu quả, người bệnh hay lâm vào tình trạng nguy kịch.

Để kịp thời cứu chữa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện ca mổ cấp cứu, cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất trái HVAD. Sau ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, bệnh nhân Tân đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, quả tim nhân tạo hoạt động hiệu quả.

Sau một tháng, bệnh nhân hồi phục tốt và xuất viện, đồng thời được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và sử dụng máy HVAD nhằm tối ưu điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giáo sư Bùi Đức Phú. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Bùi Đức Phú – chuyên gia phẫu thuật tim, đồng thời là “tổng chỉ huy” của ca cấy ghép HVAD đầu tiên tại Vinmec cho hay, bệnh nhân Tân trước kia, lưu cung lượng tim chỉ có 2 lít máu/phút, giờ đã tăng lên 4 lít/phút. Lưu lượng máu cung cấp cho cơ thể tăng gấp đôi mà không phải dùng thuốc là sự màu nhiệm của phương pháp này mang lại.

“Sau khi cấy thiết bị này, bệnh nhân không phải dùng thuốc nữa, chỉ dùng duy nhất thuốc chống đông. Bệnh nhân trở về sinh hoạt bình thường tự hoạt động không phải nhờ một người nào hỗ trợ. Bệnh nhân có thể đi xe đạp được,” giáo sư cho biết.

Cơ hội cho các bệnh nhân suy tim

Giáo sư Phú phân tích, cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất HVAD là kỹ thuật mổ tim hở để cấy ghép một thiết bị bơm máu (hay gọi là tim cơ học) vào buồng tim trái với chức năng hút máu từ buồng tim trái rồi bơm máu vào động mạch chủ.

HVAD sẽ hỗ trợ cho quả tim đã bị suy ở giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa khác, đưa máu cung cấp oxi cho cơ thể, giúp tuần hoàn máu phục hồi. Từ đó, bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.

Dụng cụ hỗ trợ tâm thất HVAD ban đầu chỉ được sử dụng như phương pháp điều trị trong giai đoạn bắc cầu chờ ghép tim. Tuy nhiên, với sự phát triển với công nghệ, HVAD được cải tiến ngày càng nhỏ gọn, bệnh nhân có thể thuận tiện mang theo pin trong dây thắt lưng hoặc túi xách, tuổi thọ của máy ngày càng kéo dài, nên đã được áp dụng như phương pháp điều trị đích.

Việc cấy ghép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất HVAD giúp bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống chất lượng trên 5-7 năm.

Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chia sẻ sau ca ghép tim nhân tạo. (Vietnam+)

Theo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,6 triệu người Việt Nam phát hiện bị suy tim mới. Tỷ lệ tử vong do suy tim ở Việt Nam rất cao với 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm phát hiện bệnh.

Hiện nay, bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối chiếm tỷ lệ khá lớn để chờ ghép tim. Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam có khoảng vài nghìn người chờ ghép tim. Ở Mỹ có khoảng 50.000-100.000 người chờ ghép tim do suy tim giai đoạn cuối, trong khi nguồn tạng hiến tặng tim từ người cho chết não rất hiếm.

Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã triển khai kỹ thuật ghép tim từ người cho chết não cho khoảng 30 trường hợp. Vì vậy, số bệnh nhân suy tim còn lại chờ ghép tim hầu như rất ít, họ tử vong do không có nguồn tim hiến.

Trong bối cảnh vẫn còn rất ít ca ghép tim được thực hiện do thiếu nguồn tạng hiến từ người cho chết não, phương pháp cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất được áp dụng điều trị ở Việt Nam sẽ giúp cứu sống người bệnh suy tim giai đoạn cuối, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

“Tại Việt Nam, công nghệ cấy ghép dụng cụ hỗ trợ tâm thất HVAD chưa được chuyển giao cho nhiều bệnh viện. Với việc trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên, đồng thời là bệnh viện thứ hai tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật cấy phép tim nhân tạo hổ trợ tâm thất, Vinmec có thể tiếp cận với với nhưng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tim nhân tạo, đáp ứng nhu cầu của người bệnh suy tim trong và ngoài nước có nhu cầu điều trị bằng phương pháp này” – giáo sư Bùi Đức Phú chia sẻ.

Bệnh nhân Vi Thị Tân sau phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thành công với kỹ thuật tim mạch mũi nhọn tương tự của các Trung tâm tim mạch lớn trên thế giới, Vinmec đã khẳng định dấu ấn Trung tâm Tim mạch đẳng cấp quốc tế, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tim mạch với những phương pháp tiên tiến và hiệu quả nhất để người dân Việt Nam có thể yên tâm điều trị trong nước mà không phải đi ra nước ngoài./.

Ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã định hướng trở thành đơn vị tim mạch đạt chuẩn quốc tế hàng đầu Đông Nam Á. Với đội ngũ chuyên gia xuất sắc, Vinmec đã liên tiếp làm chủ nhiều phương pháp can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch tiên tiến như: Thay van động mạch chủ qua da (TAVI), đặt Stent Graft, cấy máy tái đồng bộ tim (CRT), cấy máy khử rung tim (ICD), mổ tim hở không đau với phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới hướng dẫn của siêu âm (ESP), mổ tim nội soi….

Đặc biệt, Vinmec Central Park đã ghi tên trên bản đồ tim mạch thế giới với việc trở thành Trung tâm can thiệp TAVI độc lập đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 11/2017 và là bệnh viện đầu tiên thực hiện 500 ca mổ tim hở không đau với phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) vào tháng 6/2018.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục