Tìm nguyên nhân cá chết ở hồ nước trong Công viên Thiên văn học

Tập đoàn Nam Cường đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cá chết là do thiếu ôxy hay nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nguyên nhân nào đó để có phương án ngăn chặn hiệu quả.
Cá chết nổi trên hồ Bách Hợp Thủy trong Công viên Thiên văn học. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Liên quan đến việc nhiều loài cá chết nổi tại hồ nước Bách Hợp Thủy thuộc Công viên Thiên văn học, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), bà Hoàng Thị Thu Lài, Phó Giám đốc Khối Kế hoạch Đầu tư Tập đoàn Nam Cường - đơn vị chủ đầu tư của Công viên, cho biết ngày 29/2, Tập đoàn đã làm việc với các bên liên quan tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn đã đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cá chết là do thiếu ôxy hay nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nguyên nhân nào đó để có phương án ngăn chặn hiệu quả.

Trước mắt, chủ đầu tư phối hợp với chính quyền phường, bố trí nhân lực tổ chức thu gom, vớt cá chết mang đi tiêu hủy theo quy định.

Trao đổi với báo chí, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông cho biết quận đã nắm được thông tin cá ở hồ Bách Hợp Thủy chết trong vài ngày qua và đã có văn bản giao phường sở tại cùng phòng chuyên môn làm rõ nguyên nhân.

Theo tin từ phía chủ đầu tư, cuối tháng 1/2024, Công viên Thiên Văn học được bàn giao tạm cho quận Hà Đông quản lý.

Công tác đảm bảo an ninh sẽ do phía quận đảm trách. Còn các hạng mục trong công viên xuống cấp sẽ được phía chủ đầu tư tu sửa, hoàn thiện theo quy định.

Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tuần nay, gần khu vực vườn cỏ ba lá và vườn Mặt trăng giáp với hồ Bách Hợp Thủy, phía trong Công viên xuất hiện cá chết, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân đi chơi, tập thể dục.

Cá bị chết gồm nhiều chủng loại như rô phi, chép đỏ, trôi…

Cùng với cá chết, tại một số khu vực hồ còn có hiện tượng nước màu đen, váng kèm rác thải ảnh hưởng đến mỹ quan của Công viên. Bờ hồ còn xuất hiện miệng cống xả nước sinh hoạt ra hồ.

Công viên Thiên văn học có diện tích khoảng 12ha, tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng sau 4 năm đóng cửa. Đây là công viên ngoài trời đầu tiên ở nước ta lấy chủ đề thiên văn học, thu hút dư luận bởi không gian xanh và kiến trúc đẹp mắt.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có hàng trăm hồ nước và công viên lớn nhỏ.

Tuy nhiên, theo phân cấp hiện nay, thành phố chỉ quản lý Công viên Thủ Lệ; các công viên lớn như Bách Thảo, Lenin, Thống Nhất, Hòa Bình cùng nhiều công viên, hồ nước khác đã được bàn giao cho cấp quận, huyện quản lý, duy tu, duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục