Tìm kiếm ý tưởng đột phá giải quyết vấn đề giao thông từ thanh niên

Được triển khai từ tháng 7/2020, Cuộc thi Sáng tạo trẻ “Giao thông xanh” lần 3 do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp Ban An toàn Giao thông Thành phố đã có gần 4.000 ý tưởng, sáng kiến gửi về.
Tìm kiếm ý tưởng đột phá giải quyết vấn đề giao thông từ thanh niên ảnh 1Trao giải cho các thí sinh đạt giải Nhất. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngày 17/10, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban An toàn Giao thông Thành phố tổ chức Vòng chung kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo trẻ “Giao thông xanh” lần 3 năm 2020.

Cuộc thi hướng đến các đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên, đoàn viên đến từ các đơn vị trường học, đơn vị Đoàn cơ sở, từ 16 đến 35 tuổi đang sinh sống, học tập, làm việc trong và ngoài nước.

Thí sinh có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc nhóm, mỗi nhóm tối đa 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên là trưởng nhóm; mỗi nhóm được đăng ký dự thi một hoặc nhiều ý tưởng dưới hình thức sản phẩm, mô hình hoặc giải pháp.

Cuộc thi nhằm khuyến khích, tạo cơ hội đoàn viên, thanh niên học tập nghiên cứu và vận dụng kiến thức vào thực tế, qua đó phát động phong trào sáng tạo và tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến, mô hình thiết thực, đột phá trong việc giải quyết các vấn đề “nóng” về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của Thành phố; tổng hợp và giới thiệu các ý tưởng hay, khả thi trên mạng xã hội đến với công chúng và hỗ trợ thực hiện ý tưởng thành sản phẩm thực tế để ứng dụng trên địa bàn.

Được triển khai từ tháng 7/2020, Cuộc thi Sáng tạo trẻ “Giao thông xanh” lần 3 đã có gần 4.000 ý tưởng, sáng kiến gửi về.

Ban tổ chức đã chọn ra 60 ý tưởng vào vòng chung kết theo 4 bảng thi: bảng “Quy hoạch” gồm các mô hình cụ thể khắc phục trình trạng kẹt xe, ngập nước hoặc mô hình về các công trình, kiến trúc xanh tạo mỹ quan giao thông và đô thị; bảng “Điều hành” có các mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, hệ thống điều khiển giao thông thông minh; bảng “Phương tiện, thiết bị” là các mô hình, sản phẩm cơ khí tự động, vật liệu ứng dụng có khả năng khắc phục trình trạng ngập nước, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị và giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh và bảng “Tuyên truyền” với các ý tưởng, ấn phẩm truyền thông về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, luật giao thông, ứng xử văn hóa của người tham gia giao thông.

Tại Vòng chung kết cuộc thi, các thí sinh, nhóm thí sinh đã có phần thuyết trình cụ thể hơn để bảo vệ ý tưởng, cũng như giới thiệu những mô hình, sản phẩm đã hoàn thành qua từng hoạt động của cuộc thi đến với Ban giám khảo và khán giả.

Các thí sinh đã nhận được nhiều lời đóng góp từ các vị giám khảo, cũng như đã ứng biến tốt trước những câu hỏi phản biện về chi tiết, hiệu năng và tính thực tế của từng sản phẩm dự thi.

Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất bảng “Quy hoạch” cho thí sinh Ngô Thanh Tâm (Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) với ý tưởng “Đề xuất giải pháp tại không gian tiếp cận an toàn và tăng hiệu quả sử dụng cho trạm chờ xe buýt trên địa bàn Quận 1”; giải Nhất bảng “Điều hành” cho thí sinh Lương Nguyễn Song Hà (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) với mô hình “Hệ thống trợ giúp lái xe an toàn”; giải Nhất bảng “Phương tiện, thiết bị” cho nhóm thí sinh Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh với sáng kiến “Ứng dụng phương pháp học tăng cường trong tối ưu hoá tín hiệu đèn giao thông” và giải Nhất bảng “Tuyên truyền” cho thí sinh Bùi Thành Trung (Công an Quận 12) với ý tưởng “Sổ tay an toàn giao thông.”

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 3 giải Khuyến khích tương ứng cho từng bảng thi, riêng bảng “Tuyên truyền” không có giải Khuyến khích.

Tìm kiếm ý tưởng đột phá giải quyết vấn đề giao thông từ thanh niên ảnh 2Thí sinh thuyết trình ý tưởng của mình với Ban giám khảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm triển Khoa học và Công nghệ Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, mong muốn của cuộc thi là nhận được không chỉ những ý tưởng mới, sáng tạo mới, mà ngay cả những ý tưởng nâng cấp các sản phẩm hiện có cũng đều được hoan nghênh.

Theo ông, năm nay, tất cả sản phẩm dự thi của các thí sinh đều có chất lượng đồng đều, tính sáng tạo và ứng dụng thực tế rất cao nên Ban giám khảo đã khá khó khăn để chọn ra những mô hình, giải pháp độc đáo nhất để trao giải.

Đặc biệt, những mô hình, ý tưởng có thể thực hiện ngay lập tức sẽ được đưa vào Vườn ươm sáng tạo Khoa học Công nghệ với mức hỗ trợ 100 triệu đồng cho một đề tài.

Các ý tưởng còn lại sẽ được Ban Tổ chức hỗ trợ kinh phí và thủ tục đăng ký bản quyền để đưa ra ứng dụng thực tế trong 3 tháng tới.

Đối với những ý tưởng, sản phẩm không đạt giải tại cuộc thi năm nay, Ban tổ chức hy vọng các thí sinh không nản lòng mà dựa trên những nhận xét chuyên môn của Ban giám khảo về ưu, khuyết điểm của từng sản phẩm để hoàn thiện và tiếp tục mang đến dự thi tại Cuộc thi sáng tạo trẻ “Giao thông xanh” vào năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục