Tìm kiếm cơ hội xoay chuyển tình hình kinh tế 2012

Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, điểm sáng của VN là hành động quyết liệt và đồng nhất từ chính sách điều hành của Chính phủ.
Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia kinh tế thế giới có những quan điểm khá đồng thuận khi đưa ra những dự báo về kinh tế toàn cầu 2012, nhìn chung bức tranh toàn cảnh vẫn tiếp tục ảm đạm và ẩn chứa nhiều biến động khó lường.

Không thể là ngoại lệ, sự ảnh hưởng đó cũng sẽ tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” ngày 17/12 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đầu ngành và đại diện một số định chế tài chính trong nước và quốc tế đã chung quan nhận định trong thách thức là cơ hội tốt cho Việt Nam cải cách và khả năng xoay chuyển tình thế là vẫn có thể.

Theo tiến sĩ Cấn Phát Lực, Giám đốc Sở giao dịch III, kiêm cố vấn cao cấp chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), sang năm kinh tế toàn cầu có thể suy giảm, song riêng điểm sáng là các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục vững vàng trong thách thức khi quay trở về thị trường nội địa nhiều hơn. Điều này dự báo, mức tăng trưởng và dòng vốn đầu tư vào khu vực này vẫn tiếp tục được duy trì ở mức khả quan.

Theo UN “World Economic Situation and Prospects 2012”, dòng vốn ròng đổ vào các nước đang phát triển vẫn khả quan, số giải ngân năm 2011 là 218,6 tỷ USD, dự báo năm 2012 là 229,6 tỷ USD

“Đối với Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực, chúng ta hiện có mức tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng ở mức trung bình khá. Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có nguồn thu đáng kể vào kiều hối, năm 2011 ước đạt 9 tỷ USD chiếm 8% GDP,” ông Lực chỉ ra.

Khẳng định bức tranh thế giới sẽ u ám hơn, và tại Việt Nam về tổng thể vẫn là khó khăn cộng dồn từ nhiều năm, song tiến sĩ Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điểm sáng của chúng ta chính là hành động quyết liệt và đồng nhất từ chính sách điều hành của Chính phủ.

“Khái quát cơ bản nền kinh tế trong nước, cơ sở cho tăng trưởng GDP trong năm 2012 là yếu hơn, dư địa chính sách chống lạm phát cũng thu hẹp hơn. Điều này có nghĩa chúng ta đang bước vào 2012 với cả hai tuyến đều khó khăn hơn. Do đó, theo tôi kịch bản phát triển kinh tế cần phải tạo bước ngoặt, phải chấp nhận đau một lần, thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng là kéo lạm phát xuống, đạt mức ít nhất là chỉ số CPI không ‘khứ hồi’ lại,” ông Thiên đưa ra kiến nghị.

Ông Thiên phân tích, giảm lạm phát là để hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhiệm vụ sống còn phải cứu hệ thống doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, phục hồi lòng tin, thực hiện các giải pháp mạnh. Đồng thời một giải pháp nữa cũng cần phải làm ngay, đó là cuộc cách mạng cải cách tiền lương, trên thực tế chúng ta vẫn đang vận hành trong hệ thống lương cổ truyền.

“Tiền lương phải tương xứng với thị trường, tăng theo nguyên lý thị trường và phải gắn với trách nhiệm. Nâng cao năng lực, lập lại kỷ cương đó là câu chuyện đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc,” ông Thiên nói.

Quan tâm đặc biệt đến bài toán cứu doanh nghiệp, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, không cứu doanh nghiệp chúng ta không thể có nguồn thu, không thể tăng trưởng. Năm 2012 rõ ràng là khó hơn 2011, vì vậy quyết định tồn tại hay không vẫn là ở doanh nghiệp, chèo chống tốt, cơ cấu tốt thì vẫn có thể vượt qua.

“Không thể chần chừ, để xoay chuyển tình thế ngay lúc này cần chính phủ phải hành động, doanh nghiệp phải hành động, người dân cũng phải hành động, có như vậy khó khăn bớt đi, thuận lợi nổi nên. Việc mở ra bức tranh sáng hơn động lựcchính phải dựa vào nội lực” ông Ruệ khẳng định./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục