Ngày 11/1, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ủy ban Dân tộc giới thiệu cuốn sách du khảo “Rực rỡ sắc màu trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam” (song ngữ Việt-Anh) của tác giả Nguyễn Bông Mai.
Cuốn sách là kết quả của hành trình đi dọc mảnh đất hình chữ S mang tên “99 ngày xuyên Việt cùng Mai” để tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người và đặc biệt là những nét đặc trưng của từng dân tộc qua trang phục và những câu chuyện đầy cảm hứng.
Tác giả cuốn sách đã nghiên cứu và ghi lại, tái hiện một cách sống động 55 bộ trang phục độc đáo với gần 1.000 chi tiết trên trang phục từ những cuộc gặp gỡ với người dân 35 dân tộc, mở ra những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và truyền thống.
Các bộ trang phục được vẽ, thiết kế lại bởi nhóm các bạn trẻ Gen Z, cuốn sách đưa người đọc vào một không gian đầy màu sắc của những bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Mông, Kháng, Dao, Tày, Nùng, Thái…
Mỗi trang phục đều mang những nét đặc trưng riêng biệt, được người dân gìn giữ bản sắc qua từng nét hoa văn, kỹ thuật dệt, thêu, nhuộm vải, in, đính cườm.
Tác giả Nguyễn Bông Mai mong muốn lưu lại những tư liệu quý giá cho bản thân và cho những ai quan tâm đến văn hóa Việt Nam.
“Cuốn sách tổng hợp hình ảnh về trang phục truyền thống hiện nay của phụ nữ 35 dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước. Đây không phải là một tài liệu nghiên cứu văn hoá như các bậc cha chú đi trước đã làm. Nhưng tôi mong nó sẽ trở thành tài liệu để tham khảo, để kiểm chứng những gì thuộc về trang phục dân tộc còn lại giữa một thế kỷ công nghiệp hoá, công nghệ hoá. Đó cũng là điều tôi mong góp công sức nhỏ bé của mình vào hành trình bảo tồn văn hoá,” tác giả chia sẻ.
Đánh giá về tác phẩm, họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết cuốn sách có nghệ thuật thiết kế đồ họa, minh họa và hình ảnh hài hòa, hiện đại.
Với mỗi một tộc người, tác giả trình bày một đoạn nhật ký đi, gặp, trò chuyện cũng là để giới thiệu về dân tộc đó, từ vị trí địa lý, cư trú, ngôn ngữ, các phục trang chủ yếu như áo, váy, quần, khăn, đai lưng, và tích, vòng, tạp dề, yếm, mũ, xà cạp...; sau đó là cách thức, kỹ thuật dệt, thêu, nhuộm, in, đính cườm... rồi mới kết ở ý nghĩa hoa văn, nguồn gốc.
Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng cuốn sách không chỉ nói về trang phục mà còn khắc họa chân dung văn hóa của mỗi dân tộc bởi trong phục trang có truyền thống, có lịch sử, có nhân học, có nghệ thuật, có phong tục, tính tình, nếp ăn nếp mặc, nếp người... tất cả đều tạo thành một bảng màu rực rỡ.
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho hay mỗi bộ trang phục được trình bày trong cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật được tổng hòa từ các yếu tố: Tạo hình, kỹ thuật thủ công, màu sắc và tri thức dân gian. Sâu xa hơn nữa, nó có thể chứa đựng cả những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là sự biểu đạt, kết tinh tinh hoa văn hóa tộc người.
Để phổ biến, lan tỏa nội dung giá trị của cuốn sách đến đông đảo bạn đọc, song song với việc xuất bản sách giấy truyền thống, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sẽ xuất bản phiên bản điện tử, phục vụ bạn đọc trên trang https://sachquocgia.vn./.
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật
Quyết định lần này tiếp tục đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Nhà xuất bản, với vai trò là đơn vị nòng cốt về xuất bản lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước.