Tìm hiểu về họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - di sản của mỹ thuật Đông Dương

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương” dày 400 trang, gồm hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được trình bày song ngữ Việt-Anh.
Tìm hiểu về họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - di sản của mỹ thuật Đông Dương ảnh 1Cuốn sách song ngữ Việt Anh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Họa sỹ Trịnh Lữ vừa hoàn thành ấn phẩm đặc biệt về sự nghiệp hội họa của cha mình - cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - người nghệ sỹ trưởng thành từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương” dày 400 trang, gồm hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được trình bày song ngữ Việt-Anh. Sách chia làm 3 phần: Cuộc đời và sự nghiệp; Di sản đặc biệt và Bình luận, tưởng niệm.

Tìm hiểu về họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - di sản của mỹ thuật Đông Dương ảnh 2Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi.

Tác phẩm cũng nêu bật những đóng góp của cụ Ngọc cho quê hương trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới.

[Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa']

Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng và gặt hái được những thành công với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa sách Hoa Xuân, báo Tri Tân... cho đến khi đạt đến đỉnh cao là “Thiền họa”.

Độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc mà còn có thể đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà họa sỹ kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé, để hiểu được vì sao Trịnh Hữu Ngọc được ca ngợi là di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.

Tìm hiểu về họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - di sản của mỹ thuật Đông Dương ảnh 3Họa sỹ Trịnh Lữ là con trai họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm từng nhận xét: “Ngay việc khắc họa những bộ bàn ghế để sản sinh ra sản phẩm đã xứng đáng ghi danh ông là người có tài. Tên tuổi ông Trịnh Hữu Ngọc, chủ xưởng mộc Mémo chuyên sản xuất bàn ghế kiểu mới mà mọi người đều biết đến.”

Buổi tọa đàm và giới thiệu cuốn sách sẽ diễn ra vào 9h30 ngày 7/7 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội. Các diễn giả tham dự gồm tác giả-họa sỹ Trịnh Lữ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông./.

Họa sỹ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông được thừa hưởng tình yêu hội họa từ cha mẹ là họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật và đều đạt được những thành tựu lớn, song hội họa vẫn luôn là bầu không khí chủ đạo trong cuộc sống gia đình ông.

Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục