Tổ chức mang tên Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), vừa được công bố là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2017, là một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ thuộc hơn 100 nước trên thế giới.
ICAN, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), đã nỗ lực không ngừng trong nhiều thập kỷ qua nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mạnh mẽ và hiệu quả.
Một trong những thành quả lớn nhất của ICAN là thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua hiệp ước mới về cấm vũ khí hạt nhân vào tháng 7/2017 với 122 nước tham gia.
Tuy nhiên, hiệp ước này chỉ được xem là mang tính biểu tượng do không có nước nào trong số 9 cường quốc hạt nhân thế giới ký kết.
[Chiến dịch quốc tế về bãi bỏ vũ khí hạt nhân đoạt Nobel Hòa bình]
Mặc dù vậy, việc Ủy ban Nobel trao giải cho ICAN vẫn được xem là có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ủy ban Nobel đã kêu gọi các cường quốc hạt nhân phải bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bà Beatrice Fihn, Chủ tịch ICAN, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải trừ khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Vào lúc 16 giờ chiều 6/10 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Nobel đã công bố giải Nobel Hòa bình năm 2017 thuộc về ICAN vì "những nỗ lực của tổ chức này nhằm nâng cao nhận thức về những hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân đối với loài người, cũng như những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cấm vũ khí hạt nhân."
Năm nay có tổng cộng có 318 đề cử (trong đó có 215 cá nhân và 103 tổ chức) cho giải Nobel Hòa bình, ít hơn con số được coi là kỷ lục của năm ngoái với 376 đề cử.
Giải Nobel Hòa bình trị giá 1,1 triệu USD sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12 tới. Đã có 97 giải Nobel Hòa bình được trao trong giai đoạn 1901-2016, trong đó có 16 phụ nữ./.